4 cách khắc phục tật cận thị phổ biến nhất hiện nay
Có 4 cách khắc phục tật cận thị phổ biến nhất hiện nay: đeo kính gọng, dùng kính áp tròng mềm, điều chỉnh bằng kính Ortho – K và phẫu thuật.
Tật cận thị là một trong ba loại tật khúc xạ phổ biến nhất. Tỉ lệ người mắc tật cận thị ngày càng có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Cận thị mang đến nhiều phiền toái trong sinh hoạt và công việc cho người mắc. Vậy cải thiện tình trạng tật cận thị như thế nào? Bệnh viện Mắt Thiên Thanh xin chia sẻ các cách khắc phục tật cận thị phổ biến qua bài viết dưới đây!
Nội dung
1. Giới thiệu về cận thị
Cận thị thường bắt gặp ở mọi độ tuổi, phổ biến nhất là trẻ em ở lứa tuổi học đường. Người mắc tật cận thị thường gặp khó khăn khi nhìn các vật ở xa, chỉ nhìn rõ các vật ở khoảng cách gần.
Cận thị được phân thành 5 loại phổ biến sau đây:
- Cận thị đơn thuần
- Cận thị thứ phát
- Cận thị ban đêm
- Cận thị thoái hóa
- Cận thị giả
1.1 Các dấu hiệu của tật cận thị
Tật khúc xạ rất dễ nhận biết qua một số dấu hiệu sau đây:
- Thường gặp khó khăn khi nhìn vật ở xa, hình ảnh vật ở xa mờ nhòe.
- Hay nheo mắt để nhìn rõ mọi vật, đặc biệt là các vật ở vị trí xa.
- Thường cảm thấy mỏi mắt, nhức mắt, đặc biệt khi quá tập trung quan sát.
Ở trẻ nhỏ, thông qua việc quan sát hoạt động thường ngày ở con, cha mẹ có thể nhận biết tật cận thị qua một số biểu hiện dưới đây:
- Trẻ thường có thói quen đứng gần, nhìn sát khi xem tivi.
- Trẻ hay đọc nhảy hàng hoặc dùng tay dò chữ khi đọc sách, truyện.
- Ở trên lớp, trẻ thường nheo mắt để nhìn rõ chữ hơn khi ở xa bảng hoặc lại gần bảng mới nhìn được chữ.
- Khi chép bài, trẻ thường viết sai chữ hoặc chép thiếu chữ, không đầy đủ.
- Trẻ có xu hướng cúi gần, cúi sát trong lúc truyện hay sách báo.
- Trẻ hay kêu đau đầu, nhức đầu và có thể chảy nước mắt nhiều.
Xem thêm: Cận 1 độ nhìn được bao xa? Làm sao để mắt hạn chế tăng độ
1.2 Nguyên nhân gây ra tật cận thị
Cận thị xảy ra khi trục nhãn cầu quá dài khiến các hình ảnh đi vào mắt sẽ hội tụ lại trước võng mạc của mắt. Từ đó dẫn đến việc các hình ảnh truyền về não bộ không hoàn toàn sắc nét.
Một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra tật cận thị là lối sống sinh hoạt còn thiếu hợp lý. Chẳng hạn như: Tư thế ngồi học và làm việc không đúng, mắt tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong thời gian quá lâu,…
Di truyền là nguyên nhân gây ra tật cận thị tiếp theo. Theo nghiên cứu, tỉ lệ người mắc cận thị do di truyền từ bố mẹ chiếm từ 33% – 60%. Ở các trường hợp bố mẹ mắc tật cận thị nặng từ 6 đi-ốp trở lên thì khả năng di truyền sang con là gần như 100%.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các trẻ sinh thiếu tháng hoặc có cận nặng dưới 2,5kg cũng thường mắc tật cận thị khi đến độ tuổi thiếu niên.
Chế độ dinh dưỡng thường là yếu tố mà ít người nghĩ đến nhất. Tuy nhiên, khi chế độ dinh dưỡng bị thiếu hụt lượng vitamin A, C, E và các loại khoáng chất sẽ ảnh hưởng đến môi trường trong suốt ở mắt. Khả năng điều tiết ở mắt cũng bị suy giảm, lâu dần khiến thị lực bị ảnh hưởng.
2. Các cách khắc phục tật cận thị phổ biến hiện nay
Hiện nay, có 4 cách khắc phục tật cận thị phổ biến. Mỗi phương pháp sẽ có ưu và nhược điểm khác nhau, người bệnh lựa chọn sao cho phù hợp nhất.
2.1 Sử dụng kính gọng
Kính gọng là cách khắc phục tật cận thị được nhiều người bệnh lựa chọn nhất. Người bệnh có thể nhanh chóng lựa chọn được cặp kính phù hợp với mức chi phí hợp lý. Khi lựa chọn kính gọng, người bệnh nên lưu ý chọn loại mắt kính có chiết suất cao và có khả năng chống lóa tốt.
Bên cạnh ưu điểm nhanh chóng, tiện lợi, kính gọng cũng có một số nhược điểm như: bất tiện khi di chuyển trong thời tiết mưa gió, khó khăn khi hoạt động thể thao,…
2.2 Sử dụng kính áp tròng mềm
Kính áp tròng mềm được nhiều bạn trẻ mắc tật cận thị ưa chuộng hơn bởi tính thẩm mỹ. Người bệnh vừa có tầm nhìn sắc nét hơn mà không cảm thấy vướng víu như khi đeo kính gọng.
Khi sử dụng kính áp tròng mềm, người bệnh cần chú ý vệ sinh, bảo quản kính đúng cách để tránh viêm nhiễm. Kính áp tròng mềm cũng có rất nhiều loại với mức giá khác nhau. Vì vậy, cần chọn nơi uy tín để đảm bảo an toàn cho đôi mắt. Đặc biệt, kính áp tròng sẽ có thời hạn sử dụng từ 6 tháng – 1 năm. Người bệnh cần lưu ý thay kính đúng hạn, tuyệt đối không sử dụng kính hết hạn.
2.3 Điều chỉnh giác mạc tạm thời bằng kính Ortho – K
Ortho – K cũng là một loại kính áp tròng. Tuy nhiên, kính được thiết kế đặc biệt để điều chỉnh giác mạc tạm thời. Thay vì đeo vào ban ngày, kính Ortho – K được đeo vào ban đêm, trong khi ngủ từ 6-8 tiếng. Sau khi tháo kính vào hôm sau, người bệnh có thể nhìn rõ mà không cần sử dụng kính gọng.
Kính áp tròng cứng Ortho – K phù hợp với hầu hết mọi đối tượng. Đặc biệt, kính được khuyến khích dùng cho trẻ em mắc tật cận thị. Trẻ sau khi sử dụng kính Ortho – K có thể thoải mái học tập và vui chơi. Bên cạnh đó, kính Ortho – K cũng giúp hạn chế tăng độ cận thị ở trẻ vô cùng tốt.
2.4 Phẫu thuật điều trị tật cận thị
Phẫu thuật là cách khắc phục cận thị được xem là triệt để và hiệu quả nhất trong cả 4 phương pháp. Trong phẫu thuật điều trị tật khúc xạ hiện nay, Femtosecond Lasik, ReLEx SMILE và Phakic ICL đang là 3 phương pháp hiện đại, được áp dụng rộng rãi nhất.
Tuy nhiên, để có thể phẫu thuật, người bệnh cần đáp ứng đủ các điều kiện như: đủ 18 tuổi, độ cận ổn định,… Để xác định xem mắt có đủ điều kiện phẫu thuật hay không, người bệnh nên Khám mắt chuyên sâu tư vấn phẫu thuật điều trị tật khúc xạ.Các bác sĩ sẽ kiểm tra chi tiết và tư vấn phương pháp phù hợp, an toàn nhất.
Xem thêm:
- Chi phí mổ mắt cận và những điều cần biết về mổ mắt cận
- Làm thế nào để giảm cận thị 1 – 2 độ không cần phẫu thuật?
3. Cách hạn chế cận thị tiến triển
Bên cạnh việc lựa chọn cách khắc phục cận thị phù hợp, hạn chế cận thị tiến triển cũng quan trọng không kém. Hạn chế tật cận thị tiến triển giúp người bệnh giữ gìn sức khỏe đôi mắt không bị giảm sút thêm. Đồng thời, việc này cũng hạn chế nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm khi cận thị tiến triển nặng.
3.1 Cải thiện tật cận thị bằng các bài tập mắt
Thường xuyên tập các bài tập về mắt sẽ hạn chế tăng độ cận, nâng cao sức khỏe cho đôi mắt. Bên cạnh đó, các bài tập mắt còn giúp mắt thư giãn, đặc biệt phù hợp với dân văn phòng, người thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử:
- Bài tập nhắm mắt:
Nhắm mắt và xoa tròn vùng da quanh mắt từ một đến hai phút, thực hiện liên tục trong khoảng 5 lần. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhắm mắt trong 5 giây sau đó mở to mắt trong khoảng 5 giây và lặp lại 7 đến 8 lần liên tục.
- Bài tập đảo mắt:
Tư thế ngồi thoải mái, mắt đảo theo vòng tròn kim đồng hồ 5 lần và đảo ngược lại 5 lần nữa.
- Bài tập mắt nhìn tập trung:
Mắt nhìn tập trung vào một vật ở khoảng cách 6m trong vòng 30 giây và không chớp mắt. Nghỉ 10 giây và tiếp tục nhìn vật khoảng 15 giây tiếp theo rồi chớp mắt nhanh, liên tục.
3.2 Cải thiện tật cận thị bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh
Lối sống thiếu khoa học là nguyên nhân gây ra cận thị. Vì vậy, xây dựng các thói quen sống khoa học cũng là cách hạn chế cận thị phát triển hơn. Một số thói quen tốt giúp cải thiện sức khỏe cho đôi mắt như:
- Dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn: Sau một khoảng thời gian dài làm việc, mắt hay bị khô và nhức mỏi. Bạn có thể mắt nghỉ ngơi trong khoảng vài phút sau mỗi tiếng làm việc bằng cách nhìn ra xa.
- Sử dụng nước ấm để rửa mặt: Việc này giúp giảm sự căng thẳng, máu sẽ được lưu thông tốt hơn.
- Hạn chế, không sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ khoảng 2 tiếng.
- Ngồi học tập và làm việc đúng cách, đúng tư thế trong môi trường đầy đủ ánh sáng.
- Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Tích cực bổ sung thêm các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, E và chất khoáng.
Bên cạnh việc tìm kiếm cách khắc phục cận thị hiệu quả, người bệnh cũng cần quan tâm đến các biện pháp giúp cải thiện, nâng cao sức khỏe cho đôi mắt.
Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đặt lịch thăm khám tật cận thị tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh, vui lòng liên hệ hotline 038 8967 699 – 0243 2265 999.