Bị cận không đeo kính có sao không? Lưu ý khi đeo kính cận

Bị cận không đeo kính có sao không? Cận thị không đeo kính có thể dẫn đến suy giảm thị lực, tăng độ cận thậm chí là các biến chứng nguy hiểm.

Với người mắc cận thị, đeo kính là biện pháp đơn giản và phổ biến nhất để khắc phục tật cận thị. Tuy nhiên, không ít người cận thị lại không đeo kính bởi cảm thấy vướng víu và khó chịu. Vậy bị cận mà không đeo kính có sao không?

1. Đôi nét về tật cận thị

Trong số các bệnh lý về mắt, tật cận thị là một trong những bệnh lý thường gặp nhất. Bản chất cận thị là một dạng tật khúc xạ mà ở đó, các hình ảnh đi vào mắt không hội tụ đúng trên võng mạc mắt. Ở người cận thị, hình ảnh sẽ hội tụ ở phía trước võng mạc dẫn đến tín hiệu hình ảnh truyền về não thường mờ nhòe. Đây cũng là lý do mà vì sao người cận thị chỉ có thể nhìn rõ các vật ở gần, không thể nhìn rõ các vật ở xa.

Cận thị được chia thành nhiều loại khác nhau như: cận thị đơn thuần, cận thị thoái hóa, cận thị giả,… Trong đó, cận thị đơn thuần là dạng phổ biến nhất.

Cận thị thường có thể dễ dàng nhận biết thông qua một số triệu chứng đơn giản:

  • Mắt khi nhìn vật ở khoảng cách xa bị mờ, không rõ.
  • Thị lực vào ban đêm hoặc những nơi không đủ sáng thường kém.
  • Mắt thường xuyên có dấu hiệu mỏi, nhức hoặc chảy nước mắt.
  • Thường nheo mắt để nhìn rõ, hay gặp tình trạng đau đầu.

Theo các chuyên gia nhãn khoa, nguyên nhân trực tiếp gây ra cận thị là do trục nhãn cầu quá dài hoặc thể thủy tinh quá cong so với bình thường. Bên cạnh đó, một số yếu tố sau cũng được cho là nguy cơ dẫn đến tật cận thị:

  • Di truyền: Con cái có nguy cơ mắc tật cận thị cao hơn nếu cha mẹ cũng mắc tật cận thị.
  • Thói quen sinh hoạt còn thiếu khoa học.
  • Trẻ sinh non, cân nặng dưới 2.5kg.
  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng, đặc biệt là nhóm chất tốt cho mắt.

mắt cận thị cho hình ảnh hội tụ trước võng mạc

2. Bị cận không đeo kính có sao không?

Đeo kính là một trong những biện pháp dễ dàng giúp người cận thị cải thiện tầm nhìn. Tuy nhiên, tùy theo độ tuổi và tình trạng cận mà các bác sĩ khuyến cáo người bệnh đeo kính với tần suất phù hợp.

2.1 Người dưới 18 tuổi

Khi người cận thị ở độ tuổi dưới 18, mắt chưa phát triển hoàn thiện và tình trạng cận thị lúc này vẫn có thể tiến triển thêm. Trung bình mỗi năm, người cận thị có thể tăng từ 0.5 đến 1.0 đi-ốp. Bởi vậy, khi ở độ tuổi này, người cận thị nên đeo kính để hạn chế cận thị tiến triển nặng. Tuy nhiên, điều này cũng cần cân nhắc dựa trên mức độ cận:

  • Cận 0.25 độ: Mức độ cận còn nhẹ, không ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt trong cuộc sống nên người bệnh chưa cần đeo kính.
  • Cận 0.5 độ: Người bệnh nên đeo kính trong các hoạt động cần nhìn xa nếu cảm thấy nhìn mờ, nếu không thì có thể không cần đeo kính.
  • Cận 0.75 độ: Người bệnh nên sử dụng kính để không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và làm việc.
  • Cận 1 độ: Với các hoạt động yêu cầu nhìn xa, người bệnh nên đeo kính để mắt không phải điều tiết quá mức. Còn khi nhìn gần thì người bệnh không cần đeo kính.
  • Cận trên 1.5 độ: Người cận thị nên đeo kính thường xuyên để không ảnh hưởng đến công việc, đồng thời hạn chế tình trạng tăng độ nhanh gây ra các biến chứng nguy hiểm.

2.2 Người từ 18 tuổi trở lên

Ở độ tuổi này trở đi, tình trạng mắt sẽ dần ổn định và hầu như không còn tăng nữa khi ở độ tuổi 25. Lúc này, tùy theo mức độ cận mà người bệnh có thể đeo kính hoặc không:

  • Cận dưới 1 độ: Chỉ nên đeo kính khi nhìn xa. Với các hoạt động nhìn gần có thể không đeo kính hoặc tần suất đeo kính không quá nhiều để hạn chế tình trạng mắt phụ thuộc vào kính.
  • Cận trên 1 độ: Người bệnh nên đeo kính thường xuyên trong các hoạt động sinh hoạt, học tập và làm việc khi cần nhìn xa.

người cận thị cần đeo kính khi lái xe

2.3 Bị cận không đeo kính có tác hại gì?

Bị cận nhưng không đeo kính sẽ khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn để có thể nhìn rõ vật. Về lâu dài, mắt hay nhức mỏi, yếu dần và làm tăng nguy các mắc các bệnh lý nguy hiểm:

  • Suy giảm tầm nhìn: Kính cận giúp người bệnh cải thiện tầm nhìn. Khi không đeo kính, người bệnh cần đưa mắt nhìn gần lại thì mới có thể nhìn rõ, đặc biệt là những trường hợp cận trên 2 độ.
  • Tiến triển cận thị nhanh chóng: Mắt cận khi không đeo kính thì phải tăng cường điều tiết nhiều hơn để mắt có thể nhìn rõ các vật ở khoảng cách xa. Khi hoạt động quá mức trong thời gian dài mắt sẽ dần yếu đi, dẫn đến tình trạng tăng độ nhanh chóng.
  • Nhược thị: Trong một số trường hợp, người bệnh bị cận thị lệch, cận 1 bên mắt nhưng không đeo kính. Điều này dẫn đến tình trạng nhược thị ở mắt. Thị lực của người mắc nhược thị thường không thể cải thiện được bằng việc đeo kính.

Xem thêm: Cận thị và viễn thị khác nhau thế nào? Cách điều trị hiệu quả

3. Một số lưu ý khi đeo kính cận

Đeo kính là việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không ít người vẫn mắc một số sai lầm. Đeo kính đúng cách sẽ góp phần giúp việc đeo kính trở nên thoải mái hơn. Đồng thời, điều này cũng hạn chế nguy cơ tăng độ nhanh chóng, ảnh hưởng đến sức khỏe mắt nói chung. Vậy nên, khi sử dụng kính cận, người bệnh cần chú ý một số điều sau đây:

3.1 Đeo kính đúng với độ cận thực tế

Một số người bệnh cho rằng nên đeo kính thấp độ để mắt không phụ thuộc vào kính. Tuy nhiên, theo các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh, điều này là không nên. Bởi khi đeo kính không đúng độ, mắt sẽ hay nhức mỏi do phải điều tiết nhiều để nhìn rõ vật.

Người bệnh nên thường xuyên kiểm tra, tư vấn khúc xạ với các cử nhân khúc xạ nhãn khoa hoặc bác sĩ đủ chuyên môn để được chẩn đoán chính xác độ cận và cắt mắt kính phù hợp. Việc này không chỉ nên diễn ra định kỳ 3 – 6 tháng mà ngay khi người bệnh nhận thấy mắt có dấu hiệu tăng độ thì cần thăm khám để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp.

Xem thêm: Tại sao đeo kính cận bị nhức mắt? Khắc phục như thế nào?

3.2 Đeo kính đúng tầm nhìn

Trong quá trình đeo kính, kính hay bị tuột, trễ xuống. Người bệnh cần chỉnh lại kính cho đúng tầm nhìn để mắt không phải ngước nhìn theo khiến mắt bị mỏi hoặc sụp mí mắt. Bên cạnh có, người bệnh cũng cần chú ý khi chọn kính, cần chọn gọng kính vừa vặn với khuôn mặt, không chọn gọng kính quá rộng để hạn chế tình trạng kính bị tuột.

người cận cần chỉnh kính đúng tầm nhìn của mắt

3.3 Đeo kính với tần suất phù hợp

Bị cận không đeo kính thì mắt phải điều tiết nhiều và khả năng tăng độ cũng cao hơn. Nhưng điều này không có nghĩa là người cận thị cần đeo kính thường xuyên, liên tục. Tùy vào tình trạng của mắt mà người cận thị cần có tần suất sử dụng kính phù hợp. Khi tình trạng cận thị ở mức độ nhẹ, người bệnh không nên đeo kính quá thường xuyên mà chỉ nên sử dụng khi cần phải nhìn xa. Với các trường hợp cận nặng hơn thì việc đeo kính thường xuyên là điều cần thiết.

Xem thêm: Giải đáp: Cận 1.5 độ có nên đeo kính thường xuyên không?

3.4 Đeo kính có chất lượng đảm bảo

Trên thị trường hiện nay, các mẫu kính rất đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã cũng như chất lượng. Mắt cận vốn đã yếu nên người mắc cần lựa chọn những địa điểm uy tín để có một chiếc kính đeo chất lượng, hỗ trợ mắt một cách tốt nhất. Việc sử dụng kính kém chất lượng không chỉ khiến mắt bị nhức mỏi mà về lâu dài có thể ảnh hưởng đến thị lực của mắt.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên cân nhắc các yếu tố chống lóa, phản quang, chống tia UV,… khi lựa chọn kính, vừa để bảo vệ mắt, vừa giúp việc đeo kính được thoải mái hơn.

Như vậy, những thông tin trên đã có thể giúp bạn trả lời câu hỏi bị cận không đeo kính có sao không. Khi không mang kính, mắt sẽ phải điều tiết nhiều dẫn đến nguy cơ tăng độ cao, thậm chí là các biến chứng nguy hiểm khi cận thị tiến triển nặng. Người mắc cận thị cần lưu ý đeo kính đúng cách để vừa cải thiện được tầm nhìn, vừa góp phần hạn chế thị lực bị suy giảm.

Đánh giá bài viết post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *