Giải đáp: Cận 1.5 độ có nên đeo kính thường xuyên không?
Cận 1.5 độ có nên đeo kính thường xuyên không? 1.5 độ là mức độ cận nhẹ, người bệnh không nhất thiết phải sử dụng kính thường xuyên.
Cận thị là bệnh lý về mắt có xu hướng gia tăng nhanh chóng hiện nay. Bởi vậy, các chủ đề về cận thị vẫn luôn nhận được “hội đeo kính” bàn luận sôi nổi. Trong số đó, câu hỏi “Cận 1.5 độ có nên đeo kính thường xuyên không ?” nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Vậy hãy cùng bệnh viện Mắt Thiên Thanh đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc trên qua bài viết dưới đây.
Nội dung
1. Tìm hiểu chung về cận thị
Cận thị được biết đến là một trong những dạng tật khúc xạ thường gặp nhất. Cận thị có thể bắt gặp ở mọi đối tượng, trong đó trẻ em là đối tượng phổ biến hơn cả. Ở mắt người cận thị, các hình ảnh qua mắt thay vì hội tụ ở trên võng mạc mắt thì sẽ hội tụ ở phía trước võng mạc mắt. Vì vậy nên những người cận thị chỉ có thể nhìn rõ các vật ở khoảng cách gần mà không thể nhìn rõ các vật ở vị trí xa.
Dựa theo độ cận, cận thị được chia thành 4 mức độ: nhẹ (dưới 3 đi-ốp), trung bình (từ 3-6 đi-ốp), nặng (từ 6-10 đi-ốp) và cực đoan (trên 10 đi-ốp).
Tật cận thị có thể dễ dàng nhận biết thông qua một số biểu hiện sau:
- Mắt không nhìn rõ các vật ở xa, hình ảnh vật ở xa thường mờ nhòe.
- Mắt thường nhức mỏi, hay đau đầu hoặc chảy nước mắt.
- Thường nheo mắt để nhìn rõ hơn vật ở xa.
- Khi xem tivi hay đọc sách báo thường có xu hướng đứng gần, cúi sát.
Theo các chuyên gia nhãn khoa, tật cận thị có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Thể thủy tinh quá phòng hoặc trục nhãn cầu quá dài so với mức bình thường.
- Cận thị có thể di truyền từ cha mẹ sang con, tỷ lệ di truyền phụ thuộc vào mức độ cận thị nặng nhẹ của cha mẹ.
- Thói quen học tập, làm việc và sinh hoạt chưa được khoa học.
- Chế độ dinh dưỡng không đủ chất, thiếu hụt có nhóm vitamin A, C, E,… tốt cho mắt.
- Trẻ sinh non, có cân nặng nhẹ hơn 2,5kg.
2. Cận 1.5 độ có nên đeo kính thường xuyên không?
Cận 1.5 độ là tình trạng cận thị ở mức độ nhẹ. Ở mức độ này, người bệnh thường chỉ gặp khó khăn trong các hoạt động yêu cầu nhìn xa. Ở khoảng cách 66.7 cm trở lại, mắt người cận 1.5 độ vẫn có thể nhìn rõ các vật. Ngoài khoảng cách này, các hình ảnh thu về sẽ trở nên mờ nhòe, không sắc nét.
Theo các chuyên gia nhãn khoa, người cận 1.5 độ nên đeo kính nhưng không cần quá thường xuyên. Người cận 1.5 độ chỉ nên đeo kính trong các trường hợp cần nhìn rõ vật ở khoảng cách xa: tham gia giao thông, xem phim, xem tivi,… Đối với các hoạt động ở khoảng cách gần, người cận 1.5 độ vẫn có thể nhìn thấy rõ. Việc sử dụng kính quá thường xuyên ngay cả khi nhìn gần sẽ khiến mắt bị hạn chế khả năng điều tiết khi nhìn vật ở khoảng cách gần. Về lâu dài, khả năng điều tiết nhìn gần ở mắt sẽ bị ảnh hưởng khiến mắt sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào kính.
Bên cạnh đó, người cận 1.5 độ cũng cần phân bổ thời gian đeo kính và thời gian tháo kính hợp lý. Việc giãn cách thời gian sử dụng kính giúp mắt được nghỉ ngơi, hạn chế nhức mỏi và khả năng tăng độ. Cứ sau khoảng 30-45 phút đeo kính làm việc, người bệnh nên dành 3-4 phút tháo kính để mắt được thư giãn, giảm căng thẳng.
Xem thêm:
- Cận thị và viễn thị khác nhau thế nào? Cách điều trị hiệu quả
- Tại sao đeo kính cận bị nhức mắt? Khắc phục như thế nào?
- Bị cận không đeo kính có sao không? Lưu ý khi đeo kính cận
3. Người cận 1.5 độ cần lưu ý điều gì khi chọn kính
Người cận 1.5 độ không chỉ nên quan tâm đến tần suất đeo kính sao cho khoa học mà còn cần chú ý đến việc lựa chọn một chiếc kính phù hợp. Điều quan trọng là người bệnh cần dùng kính có độ phù hợp với độ cận của mắt. Không nên sử dụng kính có độ cận thấp hơn hoặc cao hơn độ cận thực tế của mắt. Bởi lúc này mắt cần điều tiết nhiều hơn, gây ra tình trạng đau đầu, nhức mỏi thậm chí là tăng độ cận.
Người bệnh có thể đến các địa chỉ khám mắt uy tín, tiến hành kiểm tra, tư vấn khúc xạ với cử nhân khúc xạ nhãn khoa hoặc các bác sĩ để được chẩn đoán chính xác độ cận của mắt. trước khi chọn kính.
3.1 Lưu ý khi chọn kính gọng
Kính gọng bao gồm 2 phần là gọng kính và tròng kính. Gọng kính có nhiều chất liệu từ nhựa dẻo cho đến kim loại. Người bệnh nên ưu tiên lựa chọn gọng kính nhẹ, vừa vặn với khuôn mặt, không quá chật hay quá rộng.
Với tròng kính thì nên ưu tiên chọn loại có chiết suất cao để kính nhẹ, giảm độ nặng đè lên phần mũi và hai tai. Ngoài ra, một số yếu tố khác mà người bệnh cũng nên cân nhắc khi chọn tròng kính: khả năng chống lóa, phản quang, chống trầy xước, chống tia UV,… Những yếu tố này sẽ giúp tầm nhìn được cải thiện tốt nhất. Đồng thời, chúng cũng góp phần bảo vệ mắt trước các tác nhân có hại xung quanh môi trường.
3.2 Lưu ý khi chọn kính áp tròng
Kính áp tròng cũng là một loại kính mà người cận 1.5 độ có thể sử dụng. Khi chọn kính áp tròng, người bệnh nên lưu ý chọn kính có nguồn gốc rõ ràng, uy tín. Bởi kính áp tròng được đeo trực tiếp vào mắt nên nếu sử dụng kính chất lượng không đảm bảo có thể gây ra những rủi ro như kích ứng, viêm nhiễm.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tuân thủ các cách bảo quản, vệ sinh kính cẩn thận. Đặc biệt, kính áp tròng có thời hạn sử dụng, có loại chỉ dùng 1 lần, có loại dùng được lâu hơn nên người bệnh cần chú ý điều này khi lựa chọn kính áp tròng.
4. Cách chăm sóc mắt cho người cận 1.5 độ
Chăm sóc mắt là việc làm cần thiết nhưng không ít người vẫn chưa thực sự chú ý tới. Đặc biệt là những người cận thị, việc chăm sóc mắt đóng vai trò vô cùng quan trọng. Không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mắt, chăm sóc mắt đúng cách sẽ hạn chế sự tăng độ, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt nguy hiểm khác.
4.1 Xây dựng các thói quen tốt, khoa học
Các thói quen học tập và sinh hoạt xấu là một trong những nguyên nhân khiến mắt bị tật cận thị. Việc thay đổi, thiết lập các thói quen khoa học sẽ là môi trường tốt để mắt không phải điều tiết quá nhiều, dẫn đến tăng độ.
Một số thói quen ngời người cận thị dễ dàng xây dựng và thực hiện như:
- Thay đổi môi trường làm việc, học tập đầy đủ ánh sáng.
- Điều chỉnh tư thế ngồi và khoảng cách nhìn hợp lý.
- Thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời.
- Xen kẽ thời gian làm việc và nghỉ ngơi cho mắt phù hợp.
- Dành thời gian massage mắt tập các bài tập cho mắt.
4.2 Tăng cường bổ sung nhóm chất tốt cho mắt
Việc xen kẽ, bổ sung đa dạng các loại thực phẩm tốt cho mắt sẽ góp phần tăng cường sức khỏe cho mắt và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh, một số nhóm chất tốt cho mắt phải kể đến như:
- Vitamin A
Vitamin A là một trong những chất góp phần cấu tạo nên phim nước mắt, giúp cho lớp màng này bám chắc vào về mặt giác mạc. Không những vậy, vitamin A còn tăng cường khả năng điều tiết của mắt tốt hơn, đặc biệt là tầm nhìn trong các môi trường không đủ ánh sáng.
Vitamin A được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm như:cà chua, ớt chuông, bí ngô, khoai lang, cà rốt,…
- Vitamin C
Vitamin C giúp tăng cường sức khỏe cho mắt, làm chậm sự tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể. Vitamin C cũng có tác dụng giúp các tế bào mắt chống lại quá trình oxy hóa, bảo vệ mắt khỏi tia cực tím có hại.
Quả kiwi, ổi, cam, mùi tây, súp lơ trắng, bông cải xanh,… là những thực phẩm cực giàu vitamin C.
- Vitamin E
Vitamin E giúp ngăn ngừa sự thoái hóa võng mạc và tình trạng suy giảm thị lực ở mắt. Đồng thời, chất này còn thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu và bảo vệ mắt khỏi tác nhân có hại bên ngoài môi trường.
Một số loại hạt: hạt hướng dương, hạnh nhân, óc chó, hạt lanh,… hoặc quả bơ, tôm, ớt chuông, bào ngư, thịt ngỗng,… là những thực phẩm giàu vitamin E.
- Các nhóm chất khác: vitamin nhóm B, kẽm, axit béo omega-3,…
4.3 Khám mắt thường xuyên
Không chỉ những người cận thị mà bất cứ ai cũng cần thăm khám mắt thường xuyên. Thời gian khám mắt có thể định kỳ từ 3 – 6 tháng hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Việc khám mắt định kỳ giúp người bệnh theo dõi được tình trạng sức khỏe mắt, kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý về mắt khác.
Tóm lại, để trả lời câu hỏi cận 1.5 độ có nên đeo kính thường xuyên không thì câu trả lời là không nhất thiết phải đeo kính thường xuyên. Việc đeo kính nên có tần suất hợp lý và chỉ nên đeo khi hoạt động cần nhìn xa. Ngoài ra, người cận 1.5 độ cũng cần chú ý cách chọn kính đeo phù hợp và chăm sóc mắt đúng cách.