Quang đông võng mạc trên các bệnh lý võng mạc đái tháo đường, tắc tĩnh mạch võng mạc

Võng mạc là các lớp sợi thần kinh của mắt, có vai trò tiếp nhận ánh sáng, hình ảnh mắt thu nhận được đến não và ngược lại có tác dụng truyền hình ảnh mà não phân tích được đến mắt, trong đó hoàng điểm là quan trọng nhất cho hình ảnh rõ ràng nhất.

VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Đái tháo đường hay tiểu đường là bệnh lý liên quan đến tình trạng rối loạn chuyển hóa Glucid mạn tính. Đây là một trong 3 bệnh lý không lây truyền (gồm ung thư, tim mạch, đái tháo đường) có tốc độ phát triển nhanh nhất. Bệnh lý đái tháo đường gây nhiều biến chứng tại mắt, tim mạch, thận, thần kinh. Trong đó biến chứng tại mắt thường gặp với tỷ lệ cao.

Bệnh võng mạc tiểu đường do bệnh lý tiểu đường gây ra. Bệnh này xảy ra hầu hết ở các trường hợp mắc bệnh tiểu đường tiến triển sau khoảng thời gian dài từ 10 đến 15 năm, là nguyên nhân gây mù thường gặp nhất trong độ tuổi từ 20 đến 65.

Nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như thời gian bị tiểu đường, mức độ đường huyết và các yếu tố khác (như cao huyết áp, tăng lipid máu, bệnh lý thận, phụ nữ đang mang thai, các phẫu thuật trong nhãn cầu) có thể tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý võng mạc đái tháo đường.

Phân loại bệnh võng mạc tiểu đường

  • Bệnh lý võng mạc khởi phát

Bệnh lý võng mạc khởi phát là giai đoạn sớm của bệnh võng mạc tiểu đường và sẽ tiến triển chậm trong thời gian dài. Ở giai đoạn này, các đốm xuất huyết nhỏ có mỡ lắng đọng sẽ xuất hiện ở vùng võng mạc.

Phần lớn người bị bệnh võng mạc tiểu đường sẽ không bị mất thị lực, nhưng sẽ suy giảm dần mà không nhận biết được. Ở một số trường hợp, các mạch máu bị rò rỉ ở vùng hoàng điểm – là bộ phận nằm ở trung tâm võng mạc có chức năng cho thị lực trung tâm và gây ra tình trạng mất thị lực.

  • Bệnh lý võng mạc tăng sinh

Bệnh võng mạc tăng sinh phát triển từ bệnh lý võng mạc nguyên phát. Đây là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp mất thị lực ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Những mạch máu mới sẽ hình thành ngay trên bề mặt võng mạc và thần kinh thị giác. Các mạch máu này dễ vỡ và chảy máu vào trong buồng dịch kính. Các mô sẹo cũng có thể hình thành từ những mạch máu bị vỡ gây ra tình trạng co kéo làm bong võng mạc và dẫn đến mất hoàn toàn thị lực. Các mạch máu mới cũng có thể hình thành ở mống mắt gây ra tình trạng tăng nhãn áp (hay còn gọi là bệnh cườm nước) và tình trạng này là nguyên nhân có thể dẫn đến mù lòa.

Khi tình trạng xuất huyết xảy ra ở giai đoạn bệnh lý võng mạc tăng sinh, người mắc bệnh có cảm giác như nhìn qua sương mù, ruồi bay hay mất thị lực hoàn toàn. Mặc dù không có có dấu hiệu đau nhức kèm theo, nhưng đây là giai đoạn bệnh võng mạc tiểu đường nghiêm trọng và cần phải điều trị ngay.

TẮC TĨNH MẠCH VÕNG MẠC

Tắc tĩnh mạch võng mạc là bệnh lý mạch máu tại võng mạc có thể gây giảm thị lực trầm trọng, thậm chí có thể gây mù nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Những yếu tố liên quan đến bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc

Bệnh lý tắc tĩnh mạch võng mạc tương đối phổ biến (tỷ lệ bệnh trên thế giới khoảng 0,7% đến 1,6%). Bệnh thường xuất hiện ở những người 50 -70 tuổi, có các bệnh toàn thân phối hợp như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, tim mạch… hoặc có các bệnh lý tại mắt như glocom, viêm thành mạch…

Trong số những bệnh lý mạch máu võng mạc, tắc tĩnh mạch võng mạc là nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 trên thế giới sau bệnh võng mạc tiểu đường. Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng của các bệnh lý như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu… thì bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc cũng có chiều hướng tăng lên.

Triệu chứng của tắc tĩnh mạch võng mạc

Bệnh lý tắc tĩnh mạch võng mạc thường xuất hiện đột ngột ở một mắt; Triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng tùy vị trí và mức độ tắc tĩnh mạch. Thậm chí người bệnh có thể không có triệu chứng gì, hoặc chỉ cảm thấy như có một đốm đen ở một phần mắt, không ảnh hưởng thị lực.

Nhưng thông thường bệnh nhân đột nhiên nhìn kém, cảm giác như nhìn qua lớp sương mù, hoặc như thấy có đám đen trước mắt, có thể dẫn đến thị lực giảm trầm trọng trong vòng vài phút hoặc sau 2 – 3 ngày.

Khi khám mắt, bác sĩ phải tra thuốc giãn đồng tử để soi đáy mắt. Hình ảnh thu được ở mắt bệnh sẽ là tĩnh mạch võng mạc giãn không đều, động mạch có thể bị thu hẹp nếu xuất huyết võng mạc nhiều làm đáy mắt đỏ rực (đôi khi thành đám lớn).

Có thể có những xuất tiết bông, xốp trên võng mạc, phù võng mạc lan tỏa… Ở giai đoạn đã có biến chứng, bệnh nhân bị phù hoàng điểm dạng nang, tân mạch võng mạc, tân mạch mống mắt, glocom tân mạch, xuất huyết dịch kính, teo thần kinh thị giác gây mù loà.

ĐIỀU TRỊ LASER QUANG ĐÔNG VÕNG MẠC

Hiệu quả của phương pháp laser là:

  • Trực tiếp phá hủy vùng võng mạc thiếu máu là nơi sản sinh ra những yếu tố tăng sinh của mạch máu.
  • Laser phá hủy các tế bào cản quang và các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc tiêu thụ oxy. Tác dụng cải thiện quá trình oxy hóa của lớp võng mạc phía trong và làm giảm bớt kích thích sản sinh của các yếu tố tăng sinh tân mạch.
  • Giải phóng ra yếu tố ức chế tạo tân mạch bình thường nằm trong biểu mô sắc tố.
  • Phá hủy các tổ chức tân mạch võng mạc, ngăn sự xuất huyết dịch kính võng mạc và phù hoàng điểm, ngăn chặn sự tiến triển và bảo tồn thị lực cho người bệnh.

Tùy theo tổn thương của võng mạc mà có thể chọn các kỹ thuật laser quang đông như sau: Quang đông ổ (focal laser), quang đông lưới (grid laser), quang đông toàn bộ võng mạc (panretinal laser).

Sau khi tiến hành laser xong, bạn có thể có cảm giác chói lóa, thị lực giảm, có dấu hiệu chớp sáng. Tuy nhiên, những triệu chứng này chỉ là tạm thời và sẽ nhanh chóng hết đi. Sau khi điều trị laser, bạn cần phải được tái khám định kỳ, kiểm tra lần đầu sau 4 đến 8 tuần và sau đó tùy mức độ tổn thương mà các bác sĩ khám lại theo dõi sát.

Đánh giá bài viết page

Chương trình ưu đãi đang có:

ĐẶT HẸN NGAY HÔM NAY

    HOẶC GỌI VỀ 024 32 265 999