Cận thị giả là gì? Nhận biết các dấu hiệu cận thị giả

Dấu hiệu cận thị giả và cận thị thật thường không có sự khác biệt. Người bệnh đều gặp các triệu chứng: mỏi mắt, nhức mắt, nhìn mờ,…

Sau một khoảng thời gian dài làm việc liên tục với thiết bị điện tử, nhiều người có cảm giác mắt kém đi, nhìn mờ hơn. Không ít người nghĩ ngay đến việc mắt đã bị cận thị. Tuy nhiên, đây cũng có thể chỉ là triệu chứng của cận thị giả mà thôi. Vậy thế nào là cận thị giả? Dấu hiệu cận thị giả là gì? Cùng Bệnh viện Mắt Thiên Thanh tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh cận thị giả qua bài viết ngày hôm nay.

1. Giới thiệu về cận thị giả

Cận thị giả là thuật ngữ y khoa nhằm chỉ các bệnh lý không có tính cố hữu. Chẳng hạn như: giả u, giả nghén, giả mang thai,… Cận thị giả hay cận thị tạm thời thực chất là những rối loạn thoáng qua ở mắt rất giống với tật cận thị. Hay nói cách khác, cận thị giả là tình trạng chuyển thể mang tính chất tạm thời, không liên tục về mặt khúc xạ của mắt sang cận thị.

Khi mắc cận thị giả, hình ảnh của vật qua nhãn cầu cũng sẽ hội tụ phía trước võng mạc như tật cận thị thông thường. Nguyên nhân là do sự co cứng thoáng qua của cơ thể mi – cơ quan điều chỉnh khả năng điều tiết ở mắt. Từ đó, dẫn đến việc công suất khúc xạ của mắt tăng lên.

Cận thị giả được chia thành 2 loại như sau:

  • Cận thị giả thực thể: xảy ra khi hệ thần kinh phó giao cảm bị kích động quá mức bình thường.
  • Cận thị giả cơ năng: mắt nhất thời gặp khó chịu hoặc do sự mệt mỏi thị giác. Loại cận thị giả này hay bắt gặp ở học sinh, sinh viên đang trong mùa thi hoặc người hoạt động mắt quá nhiều.

người mắc cận thị giả

2. Nguyên nhân và các dấu hiệu cận thị giả

2.1 Nguyên nhân gây cận thị giả

Hiện tượng cận thị giả xảy ra có thể do một số nguyên nhân sau đây:

  • Mắt hoạt động ở cự ly gần trong khoảng thời gian dài. Điều này khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn dẫn đến tình trạng mỏi mắt, nhức mắt, chảy nước mắt,…
  • Cơ thể mắc một số bệnh lý: viêm thể mi, chấn thương mắt hoặc sử dụng atropine trong khoảng thời gian dài.
  • Người bệnh chủ quan, tự ý cắt kính mà không đi khám mắt chuyên sau khi mắt có dấu hiệu nhìn mờ.

Xem thêm: Cận thị có di truyền không? Cách phòng ngừa tật cận thị

2.2 Dấu hiệu nhận biết cận thị giả

Cận thị giả cũng có một số dấu hiệu nhận biết giống với tật cận thị thông thường. Bởi vậy, nhiều người mắc cận thị giả rất dễ nhầm lẫn thành cận thị thật.

Một số dấu hiệu cận thị giả thường gặp nhất như:

  • Cảm thấy nhức mắt, mỏi mắt hoặc đau đầu.
  • Liên tục chảy nước mắt.
  • Nhìn mờ, đặc biệt là khả năng nhìn xa bị giảm sút.
  • Để nhìn rõ vật, người bệnh phải nheo mắt.

Khi phát hiện thấy mình có một vài các biểu hiện trên, người bệnh thường lựa chọn việc tới các cửa hàng để cắt kính. Việc đeo kính lúc này sẽ giúp người cận thị giả nhìn mọi thứ rõ hơn. Tuy nhiên, chỉ sau 1 -2 tuần, người bệnh bắt đầu cảm thấy đau đầu, mỏi mắt, thị lực bị suy giảm. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến bệnh tiến triển nặng do mắt phải điều tiết nhiều vì sử dụng kính không phù hợp.

Trên thực tế, nếu chỉ đi đo mắt ở các cửa hàng kính thì rất khó để phát hiện ra cận thị giả do người bán không đủ chuyên môn và máy móc để phân biệt, đánh giá chính xác. Do vậy, khi xuất hiện các biểu hiện như trên, người bệnh cần đến các bệnh viện có chuyên khoa mắt để bác sĩ kiểm tra và tư vấn khúc xạ một cách chính xác nhất.

người cận thị giả có thể chảy nước mắt

3. Cách phòng và điều trị cận thị giả

3.1 Cách phòng chống cận thị giả

Việc thay đổi các thói quen sinh hoạt trở nên khoa học, hợp lý là cách tốt nhất để phòng chống cận thị giả và tật cận thị nói chung:

  • Làm việc, học tập và sinh hoạt trong môi trường có đầy đủ ánh sáng.
  • Điều chỉnh cách ngồi đúng tư thế, giữ đúng khoảng cách nhìn, trách nhìn ở cự ly quá gần.
  • Kết hợp làm việc và thời gian nghỉ ngơi cho mắt hợp lý. Có thể áp dụng quy tắc 20:20:20 đều đặn (20 phút làm việc thì cho mắt nghỉ ngơi 20 giây bằng cách nhìn xa 20 feet – tương ứng với 6m).
  • Dành thời gian tập thể dục cho mắt hoặc các bài tập massage mắt giúp mắt thư giãn, giảm mỏi mắt.
  • Tham gia các hoạt động, vận động ngoài trời đều đặn.
  • Khi mắt có dấu hiệu mỏi, nhức mắt nên nhìn vào các đồ vật có màu xanh lá để mắt có cảm giác thư giãn, dễ chịu hơn.
  • Bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin A, E, C, omega 3,… vào bữa ăn.
  • Tái khám mắt định kỳ từ 3 – 6 tháng để theo dõi sức khỏe đôi mắt.

3.2 Điều trị cận thị giả thế nào?

Nguyên nhân gây cận thị giả chủ yếu là do mắt phải điều tiết quá nhiều. Bởi vậy, việc điều trị cận thị giả cũng rất đơn giản, chủ yếu là dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi, hồi phục. Cụ thể:

  • Cận thị giả dạng nhẹ: sử dụng thuốc nhỏ mắt theo chỉ định, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Cận thị giả tiến triển nặng: bác sĩ chỉ định sử dụng kính chuyên dụng. Điều này giúp khả năng điều tiết ở mắt trở nên nhẹ nhàng hơn. Người bệnh sẽ ngừng đeo kính khi mắt hồi phục về thể trạng bình thường.

Cận thị giả có thể điều trị đơn giản khi được phát hiện đúng lúc và kịp thời. Ngược lại, nếu điều trị không đúng cách, cận thị giả có thể trở thành cận thị thật. Kéo theo đó là vô vàn các hệ lụy nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.

Xem thêm:

người cận thị giả cần nghỉ ngơi hợp lý

4. Một số thắc mắc về cận thị giả

4.1 Làm thế nào để phân biệt cận thị giả và cận thị thật

Cận thị thật và cận thị giả có các dấu hiệu, triệu chứng giống hệt nhau. Bởi vậy, rất khó để có thể phân biệt được 2 dạng tật khúc xạ này theo cách thông thường.

Khi xuất hiện các triệu chứng của cận thị, người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Nếu sức khỏe mắt được cải thiện, thị lực trở về bình thường thì có thể đó là cận thị giả. Tuy nhiên nếu tầm nhìn không có sự thay đổi thì có thể là tật cận thị bình thường.

Để biết mình có bị cận thị thị giả một cách chính xác hay không, người bệnh cần đến các bệnh viện mắt để kiểm tra. Bệnh viện Mắt Thiên Thanh sở hữu hệ thống máy móc chẩn đoán tiên tiến và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm. Tại đây, người bệnh sẽ được kiểm tra, xác định đúng tình trạng mắt của mình. Từ đó, các bác sĩ cũng sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất, giúp người bệnh sớm lấy lại được thị lực bình thường.

4.2 Cận thị giả có nguy hiểm không?

Theo đánh giá của các bác sĩ nhãn khoa, cận thị giả không nguy hiểm, có thể dễ dàng điều trị khi được phát hiện kịp thời. Khi mắt được nghỉ ngơi, cận thị giả thường tự khỏi mà không phải can thiệp điều trị quá nhiều.

Tuy nhiên, nếu để tình trạng này kéo dài và không được điều trị đúng cách, cận thị giả cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt. Thị lực bị suy giảm khiến người bệnh gặp khó khăn, phiền toái trong các hoạt động hàng ngày. Bên cạnh đó, nếu người bệnh chủ quan và không có chế độ chăm sóc mắt hợp lý thì có thể dẫn đến cận thị thật.

4.3 Cận thị giả có nên đeo kính không?

Mặc dù chưa xác định rõ tình trạng bệnh, nhiều người có khi thấy mắt nhìn mờ thường sử dụng kính gọng để cải thiện tầm nhìn ngay. Điều này là hoàn toàn không nên bởi chỉ người cận thị thật mới nên đeo kính. Khi mắc cận thị giả, người bệnh tuyệt đối không được tự ý đeo kính khi không có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý đeo kính cũng là một trong những nguyên nhân khiến mắt cận thị giả thành cận thị thật.

cận thị giả có cần phải đeo kính hay không

Chỉ dựa vào dấu hiệu cận thị giả để nhận biết cận thị giả thì không thể xác định chính xác thị lực ở mắt. Bởi cận thị giả và thật không có sự khác biệt về triệu chứng. Người bệnh cần phải kiểm tra mắt tại các cơ sở đủ chuyên môn để được chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng mắt. Bên cạnh đó, việc phòng ngừa cũng đóng vai trò quan trọng để giữ gìn một đôi mắt sáng khỏe.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *