Cắt mống mắt chu biên bằng Laser điều trị Glocom
Cắt mống mắt chu biên ngoại vi bằng laser là phương pháp điều trị đầu tiên được áp dụng điều trị trong bệnh tăng nhãn áp góc đóng (glaucoma góc đóng) và các nguy cơ mắc bệnh này. Phương pháp này đã được sử dụng từ năm 1984 như một phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh glaucoma.
Cắt mống mắt chu biên là gì?
Phương pháp cắt mống mắt chu biên với tia laser (tên tiếng Anh là: laser peripheral iridotomy) là một thủ thuật được dùng để điều trị bệnh glaucoma góc đóng hay còn gọi là tăng nhãn áp góc đóng.
Ở đôi mắt khỏe mạnh, thủy dịch chảy qua đồng tử ra phía trước mắt và chảy ra vùng bè – kênh dẫn lưu thủy dịch. Khi mắc phải tình trạng góc đóng, các kênh dẫn lưu này bị tắc nghẽn khiến thủy dịch không thể thoát ra ngoài mống mắt và làm cho áp lực nội nhãn tăng lên. Lúc này, phương pháp cắt mống mắt chu biên được chỉ định để điều trị.
Cách thức thực hiện: Đây là phương pháp phẫu thuật không sử dụng dao kéo. Tia laser được chiếu vào mống mắt, khu vực bè giác mạc bên cạnh các kênh dẫn lưu từ đó tạo ra các lỗ nhỏ nhằm thoát thủy dịch của mắt. Kết quả là làm cho mống mắt co lại, giúp mở góc tiền phòng. Từ đó, thủy dịch được giải phóng qua các kênh dẫn lưu ra ngoài, làm giảm nhãn áp.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng glaucoma góc đóng
Các triệu chứng của bệnh glôcôm góc đóng xuất hiện đột ngột, dữ dội
- Mắt đau nhức đột ngột, dữ dội, cơn đau lan lên đỉnh đầu.
- Nhãn cầu căng cứng như hòn bi.
- Mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
- Nhìn mờ, quầng xanh đỏ quanh đèn.
- Triệu chứng đau bụng, buồn nôn, ỉa chảy, vã mồ hôi….
Lời khuyên của các bác sỹ:
Bệnh nhân cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được thăm khám ngay khi gặp phải các triệu chứng như trên. Các triệu chứng có thể xuất hiện từ từ và không thường xuyên, là tiền căn của bệnh glaucoma. Bệnh nhân không nên chủ quan và lầm tưởng là các bệnh cảm sốt đơn thuần và tự ý chữa bệnh.
Khi nào được chỉ định cắt mống mắt chu biên?
Bệnh nhân mắc bệnh lý Glôcôm góc đóng được chỉ định tiến hành phẫu thuật khi:
- Tiền phòng nông, góc hẹp.
- Góc đóng cấp, glaucoma góc đóng đã cắt bè củng mạc, mắt thứ 2 có chỉ định Laser.
- Sau cơn cấp: đồng tử co, góc tiền phòng còn mở > 1/2 chu vi của góc.
- Nghẽn đồng tử sau lấy thể thủy tinh.
- Glaucoma do viêm màng bồ đào.
- Hội chứng rải rác sắc tố.
- Soi góc độ II.
Biến chứng và tác dụng phụ khi thực hiện phương pháp cắt mống mắt chu biên
- Tăng nhãn áp thoáng qua, thường trong 24 giờ.
- Viêm mống.
- Tổn thương giác mạc.
- Glaucoma ác tính.
- Giảm thị lực.
- Chảy máu mống mắt hoạc tiền phòng.
- Đục thể thủy tinh khu trú.
Tuy nhiên, biến chứng này rất ít khi gặp phải. Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm tra trước khi mổ để giảm thiểu các yếu tố rủi ro trong khi mổ.
Quy trình thực hiện
Trước khi mổ
- Đo thị lực, nhãn áp.
- Đo thị trường.
- Soi góc tiền phòng, độ sâu góc tiền phòng
- Soi đáy mắt hoặc chụp OCT bán phần sau
Trong khi mổ
- Nhỏ thuốc co đồng tử 1 giờ trước laser.
- Cài đặt thông số điều trị: Năng lượng 2-3 mj/bắn (shots), vị trí từ 11g-1g, đường kính lỗ LPI : 200 micron
- Đặt kính Abraham lên giác mạc.
- Tia laser tạo một lỗ thủng nhỏ ở chu biên mống mắt giúp dịch lưu thông từ sau mống mắt ra trước dễ dàng hơn giảm ngẽn đồng tử.
Toàn bộ quá trình phẫu thuật diễn ra trong khoảng 15 – 20 phút. Đây là phương pháp phẫu thuật đem lại hiệu quả cao, ít biến chứng.
Sau khi mổ – giai đoạn phục hồi
- Thuốc sau laser: theo chỉ định của bác sĩ
- Theo dõi nhãn áp trong 1-2 giờ sau mổ
Sau khi thực hiện điều trị glocom bằng laser, người bệnh cần được theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ trong khoảng 2 – 5 năm tiếp theo để đề phòng trường hợp bệnh tái phát.