Bệnh mộng mắt: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh mộng mắt là bệnh lý nhãn khoa lành tính, khá phổ biến ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới.

Bệnh mộng mắt là bệnh lý về mắt khá thường gặp hiện nay. Mộng mắt hầu như không gây hại bởi nó là tổn thương lành tính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mộng mắt tiến triển sâu vào vùng giác mạc gây suy giảm thị lực. Cùng Bệnh viện mắt Thiên Thanh tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý qua bài viết sau đây!

1. Giới thiệu về bệnh mộng mắt

1.1 Mộng mắt là gì?

Mộng mắt (hay mộng thịt) là một khối thoái hóa và tăng sinh có màu hồng nhạt của kết mạc nhãn cầu nằm ở vùng khe mi. Mộng mắt thường phát triển ở vùng khe mi góc trong, có hình tam giác hay hình cánh với đỉnh quay về phía giác mạc. Tùy theo số lượng và độ cương tụ của mạch máu thân mộng mà mộng mắt có thể có màu đỏ hoặc màu hồng.

Bệnh mộng mắt thường được bắt gặp ở độ tuổi trung niên nhưng cũng có thể bắt gặp ở người trẻ tuổi. Bên cạnh đó, tỉ lệ người mắc bệnh mộng mắt thường cao hơn ở những quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hoặc những nơi có nhiều gió, bụi, ánh nắng mặt trời,… Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, có hơn 5% dân số mắc bệnh mộng mắt, tập trung chủ ở các vùng nằm ven biển miền Trung.

Mộng mắt thường tiến triển chậm trong hàng chục năm và cũng có thể nhanh trong vài tháng. Bệnh mộng mắt gây ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ cũng như khả năng thị giác của người bệnh. Trong một số trường hợp, bệnh tiến triển và có thể gây ra một số biến chứng làm tổn thương giác mạc và nhãn cầu: dính mi cầu, nhìn đôi, loạn thị, viêm loét giác mạc,…

bệnh mộng mắt

1.2 Có bao nhiêu loại mộng mắt?

Dựa theo nhiều yếu tố, người ta có thể phân mộng mắt theo nhiều cách khác nhau.

Theo mức độ tiên lượng

  • Loại mộng mắt tiến triển: đầu mộng mắt xuất hiện nhiều thẩm lậu hình răng cưa. Nếu phần thân mộng dày, có nhiều mạch máu thì bệnh có khả năng tái phát nhiều.
  • Loại mộng mắt xơ: phần đầu mộng mắt có hình tròn, màu trắng đặc. Loại mộng mắt này không tiến triển và ít tái phát sau khi phẫu thuật.

Theo mức độ xâm lấn vào vùng giác mạc

Khi đối chiếu với phần trung tâm giác mạc, mộng mắt được chia thành các loại như sau:

  • Độ I: < 2mm
  • Độ II: từ 2-4mm
  • Độ III: > 4mm.

Theo giải phẫu

Thông qua bán kính giác mạc, mộng mắt được chia làm 4 độ:

  • Độ I: đầu mộng mắt đã phát triển quá rìa giác mạc
  • Độ II: đầu mộng mắt chưa phát triển tới nửa bán kính giác mạc
  • Độ III: đầu mộng mắt đã phát triển vượt quá 1/2 bán kính giác mạc
  • Độ IV: đầu mộng mắt đã lan rộng tới và có thể đi quá phần trung tâm giác mạc.

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, mộng mắt được chia thành 4 độ như sau:

  • Độ I: Mộng mắt mới đến phần rìa giác mạc.
  • Độ II: Mộng mắt đã phát triển vào đến điểm giữa của khoảng cách từ rìa giác mạc đến bờ đồng tử.
  • Độ III: Mộng mắt đã phát triển đến bờ đồng tử.
  • Độ IV: Mộng mắt đã phát triển đi qua bờ đồng tử.

phân loại mộng

2. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh mộng mắt

2.1 Nguyên nhân gây mộng mắt

Các bác sĩ tại bệnh viện Mắt Thiên Thanh cho biết, nguyên nhân chính xác gây ra mộng thịt đến nay vẫn chưa được biết đến. Một số nghiên cứu chỉ ra do tiếp xúc lâu dài của mắt với tia cực tím (UV) của ánh sáng mặt trời có thể dẫn đến sự tiến triển của mộng mắt.

Bệnh thường xảy ra với những người sống ở khí hậu ấm áp và tiếp xúc nhiều với nắng, gió ngoài trời. Ngoài ra, những người có tiền sử bị khô mắt thì nguy cơ mắc mộng mắc cũng cao hơn.

2.2 Triệu chứng thường gặp của mộng mắt

Mộng mắt đôi khi không có dấu hiệu rõ ràng. Người bị mộng mắt hay cảm thấy khó chịu trong mắt và thường có một số triệu chứng sau:

  • Đỏ, kích ứng hoặc sưng mắt.
  • Cảm thấy có sạn, cát trong mắt.
  • Khô mắt, ngứa mắt hoặc thấy mắt có cảm giác nóng rát.
  • Nhìn mờ hoặc nhìn đôi (mộng thịt tiến triển vào giác mạc).

Xem thêm:

tình trạng nhìn đôi

3. Cách phòng tránh mộng mắt

Hiện nay, chưa thể tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh mộng mắt. Tuy nhiên, để phòng tránh căn bệnh này, mỗi người có thể hạn chế, loại bảo các nguy cơ gây bệnh bằng cách:

  • Luôn sử dụng kính râm hoặc đội mũ rộng vành khi ra ngoài trời. Nên chọn các loại kính có khả năng ngăn chặn tia UV.
  • Nếu thường xuyên phải làm việc ngoài trời nhiều thì hãy cho mắt được nghỉ ngơi sau khoảng thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đặc biệt với những người làm việc trong môi trường đặc thù thì cần sử dụng kính bảo vệ. Điều này giúp mắt tránh được khói bụi cũng như các tia bức xạ có hại cho mắt.
  • Sử dụng thêm nước mắt nhân tạo để cấp ẩm cho mắt nếu cảm thấy mắt khô.
  • Thăm khám mắt tổng quát thường xuyên để theo dõi sức khỏe mắt, kịp thời phát hiện và điều trị bệnh lý nhãn khoa (nếu có).
  • Xây dựng thói quen vệ sinh mắt hằng ngày để loại bỏ bụi bẩn, tăng cường sức khỏe đôi mắt.

đeo kính râm và đội mũ rộng vành

4. Chẩn đoán và điều trị mộng mắt

4.1 Chẩn đoán mộng mắt

Khi gặp bất cứ dấu hiệu nghi ngờ mắc mộng mắt, người bệnh cần thực hiện thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được chẩn đoán chính xác.

Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị có tên là đèn khe. Sử dụng đèn khe sẽ giúp bác sĩ kiểm tra giác mạc, mống mắt thủy tinh thể của người bệnh. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên môn bổ sung nếu cần thiết:

  • Kiểm tra khúc xạ: Thông qua kiểm tra, các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nhìn rõ của người bệnh ở khoảng cách 6m.
  • Kiểm tra hình dạng giác mạc: Các kỹ thuật viên sẽ sử dụng thiết bị chuyên dụng giúp tạo bản đồ 3D và chụp toàn cảnh giác mạc nhằm phát hiện sự bất thường.

Bác sĩ có thể chụp ảnh mắt của người bệnh để theo dõi những thay đổi trong quá trình phát triển mộng mắt theo thời gian. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện một vài xét nghiệm khác để loại trừ nguyên nhân, chẳng hạn bệnh ung thư ảnh hưởng đến mắt.

kiểm tra tình trạng mắt

4.2 Điều trị mộng mắt như thế nào?

Tùy theo từng trường hợp, tình trạng của bệnh mộng mắt mà các bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị riêng. Với các trường hợp mộng mắt ở giai đoạn đầu, nếu không có triệu chứng hay ảnh hưởng đến thẩm mĩ của mắt, thì người bệnh không cần phải điều trị gì. Khi mộng mắt tiến triển, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, làm giảm thị lực thì người bệnh cần thăm khám để được bác sĩ chỉ định mổ cắt bỏ mộng mắt.

Mộng mắt không thể điều trị khỏi bằng cách dùng thuốc. Phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị mộng thịt tốt nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ phẫu thuật cắt mộng mắt đơn thuần thì tỉ lệ tái phát có thể lên đến 40%-60% nên chỉ định phẫu thuật này có phần hạn chế. Thông thường các bác sĩ kết hợp thêm các phương pháp phẫu thuật khác như ghép kết mạc tự thân, ghép màng ối,…giúp giảm thiểu tỷ lệ tái phát còn 3%-5%.

phẫu thuật mộng

5. Địa chỉ điều trị bệnh mộng mắt tại bệnh viện Mắt Thiên Thanh

Để điều trị mộng mắt, bệnh viện Mắt Thiên Thanh áp dụng phương pháp tối ưu nhất là phẫu thuật. Phẫu thuật mộng mắt thuộc dạng phẫu thuật trung phẫu thực hiện trên mắt cần được thăm khám kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

Khi phẫu thuật cắt mộng mắt tại bệnh viện, người bệnh hoàn toàn có thể an tâm bởi:

  • Bệnh viện sở hữu đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm. Các bác sĩ sẽ trực tiếp thăm khám, tư vấn phương pháp tối ưu và thực hiện phẫu thuật.
  • Hệ thống máy móc tân tiến, vật tư y tế chất lượng cao giúp tối ưu kết quả phẫu thuật.
  • Đội ngũ điều dưỡng luôn túc trực, chăm sóc và giải đáp mọi thắc mắc người bệnh.
  • Bộ phận lễ tân chu đáo, nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân và gia đình 24/7.

Xem thêm:

bác sĩ khám mộng mắt

Như vậy, bệnh mộng mắt khá lành tính và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh cần theo dõi quá trình tiến triển của bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời để không ảnh hưởng đến thị lực.

Đánh giá bài viết post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *