Giải đáp thắc mắc: Đục thủy tinh thể có chữa được không?
Đục thủy tinh thể có chữa được không? Đây là một trong những thắc mắc của không ít người bệnh khi được chẩn đoán mắc bệnh lý này.
Nội dung
1. Tình trạng đục thủy tinh thể là gì?
Đục thủy tinh thể (hay còn gọi là cườm khô, cườm đá) là tình trạng suy giảm thị lực do thủy tinh thể của mắt bị đục. Thủy tinh thể ở mắt là một bộ phận quan trọng, được so sánh giống như một thấu kính trong suốt giúp ánh sáng đi vào và hội tụ đúng trên võng mạc của mắt, từ đó giúp tạo ra những hình ảnh sắc nét.
Khi thủy tinh thể mất dần đi sự trong suốt sẽ cản trở sự đi qua của ánh sáng, khiến ánh sáng không thể hội tụ lên võng mạc, từ đó làm thị lực bị ảnh hưởng. Quá trình đục thủy tinh thể sẽ diễn ra dần dần qua từng giai đoạn. Bệnh lý này là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa trên toàn thế giới, đặc biệt là ở người cao tuổi.
2. Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể
Tình trạng thủy tinh thể bị đục có thể có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tuy nhiên, tập trung nhiều nhất là các nguyên nhân sau:
2.1 Tuổi tác
Tuổi tác là nguyên nhân chính gây ra đục thủy tinh thể. Khi con người dần già đi, cơ thể bắt đầu quá trình lão hóa, thủy tinh thể tự nhiên sẽ dần mất tính trong suốt vốn có và trở nên mờ đục. Quá trình lão hóa này thường bắt đầu từ khoảng 40 tuổi. Các dấu hiệu sẽ trở nên rõ rệt khi người bệnh bước vào độ tuổi trung niên hoặc cao tuổi.
2.2 Chấn thương mắt
Những tai nạn hoặc tác động mạnh vào mắt như: tai nạn giao thông, thể thao, chấn thương trong quá trình lao động,… có thể làm tổn thương tới cấu trúc của thủy tinh thể và gây ra hiện tượng đục thể thủy tinh ngay lập tức hoặc trong thời gian sau đó.
2.3 Bệnh lý nền toàn thân
Một số bệnh lý nền cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thủy tinh thể bị đục như:
- Tiểu đường: Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao bị bệnh sớm hơn so với những người bình thường. Nguyên nhân là do nồng độ đường huyết quá cao có thể làm thay đổi cấu trúc thủy tinh thể, gây mờ mắt.
- Cao huyết áp: Tình trạng huyết áp cao cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Bệnh tự miễn như: lupus ban đỏ, nhược cơ,… có thể tác động đến sức khỏe của mắt và gây ra tình trạng đục thủy tinh thể sớm.
2.4 Bẩm sinh và di truyền
Di truyền là nguyên nhân tiếp theo dẫn đến tình trạng đục thể thủy tinh ở mắt. Đặc điểm của người bị đục thủy tinh thể do di truyền thường là người bệnh bị đục thủy tinh thể ngay khi mới sinh ra hay khi còn ít tuổi. Nguyên nhân là do các đột biến gen hoặc yếu tố di truyền có thể khiến thủy tinh thể đục sớm hơn người bình thường. Một nguyên nhân nữa là người mẹ nhiễm vi-rút trong quá trình mang thai, phổ biến là vi-rút Rubella.
2.5 Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc, đặc biệt là steroid (corticosteroids), có tác dụng phụ là gây đục thủy tinh thể sớm. Loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý liên quán đến viêm nhiễm, tự miễn dịch hay dị ứng. Việc sử dụng thuốc chứa corticosteroids trong thời gian dài mà không theo chỉ định của bác sĩ có thể làm tăng nguy cơ mắc đục thủy tinh thể sớm.
2.6 Các nguyên nhân khác
Bên cạnh các nguyên nhân phổ biến ở trên thì một số yếu tố dưới đây cũng làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể:
- Tác động của tia UV: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người làm việc ngoài trời như: nông dân hoặc công nhân,… sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài mà không có sự bảo vệ cho mắt.
- Hút thuốc lá: Các chất độc hại trong thuốc lá không chỉ tác động xấu tới sức khỏe tổng thể nói chúng mà còn có thể làm tổn thương cấu trúc của thủy tinh thể và tăng tốc quá trình lão hóa của mắt.
- Chế độ ăn uống: Việc thiếu hụt các chất chống oxy hóa (vitamin C, E, beta-carotene, lutein) có thể làm tăng nguy cơ mắc đục thủy tinh thể. Bởi các chất này giúp bảo vệ các tế bào mắt khỏi tổn thương do các gốc tự do, giúp mắt khỏe mạnh và chậm lão hóa hơn.
3. Triệu chứng của đục thủy tinh thể
Triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể thường xuất hiện một cách từ từ và không dễ nhận biết ngay lập tức. Một số dấu hiệu phổ biến của tình trạng đục thủy tinh thể này bao gồm:
- Mờ mắt: Thị lực sẽ suy giảm dần dần, người bệnh cảm giác như nhìn qua màn sương mù hoặc mây, đặc biệt là trong môi trường ánh sáng yếu.
- Nhạy cảm với ánh sáng: Đục thủy tinh thể khiến người mắc cảm thấy khó chịu khi nhìn vào nguồn ánh sáng mạnh, chẳng hạn như: ánh sáng mặt trời,đèn xe vào ban đêm và thường thấy hiện tượng quầng sáng xuất hiện xung quanh nguồn sáng.
- Khó nhìn ban đêm: Trong điều kiện ánh sáng yếu như ban đêm, người bệnh thường gặp khó khăn để nhìn rõ, việc nhìn ánh đèn giao thông hay đèn xe ô tô trở nên mờ hoặc lóa.
- Nhìn thấy hình ảnh đôi: Một số người có thể gặp tình trạng nhìn đôi do thể thủy tinh không còn điều chỉnh ánh sáng hội tụ chính xác trên võng mạc được nữa.
- Màu sắc mờ nhạt: Màu sắc qua mắt người bệnh trở nên kém tươi sáng, có xu hướng bị ám vàng.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu trên , người bệnh cần nhanh chóng tới các cơ sở chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh bỏ lỡ thời gian điều trị tốt nhất cũng như những biến chứng không mong muốn.
4. Đục thủy tinh thể có chữa được không?
Câu trả lời là có, đục thủy tinh thể hoàn toàn có thể chữa được. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay là phẫu thuật thay thể thủy tinh nhân tạo. Phẫu thuật đục thủy tinh thể là một trong những thủ thuật y tế phổ biến và an toàn trong ngành nhãn khoa, có tỷ lệ thành công cao.
Bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh cho biết, hiện nay, phẫu thuật Phaco là một trong những phương pháp được sử dụng nhiều nhất để điều trị bệnh lý này. Bác sĩ sử dụng sóng siêu âm để làm vỡ vụn thủy tinh thể bị đục thành những mảnh nhỏ và sau đó hút ra khỏi mắt. Thủy tinh thể nhân tạo sẽ được đặt vào để thay thế thủy tinh thể tự nhiên. Phẫu thuật Phaco mang nhiều ưu điểm vượt trội như:
- Thời gian phẫu thuật ngắn: mỗi cá phẫu thuật thường chỉ kéo dài 15-20 phút.
- Không đau, không gây chảy máu: Người bệnh sẽ được gây tê bằng phương pháp nhỏ tê bề mặt và hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quãng thời gian phẫu thuật.
- Phẫu thuật và xuất viện luôn trong cùng một ngày mà không cần lưu trú.
- Có thể điều trị đồng thời thêm các tật khúc xạ khác như: cận – viễn – loạn thị.
- Tốc độ hồi phục nhanh chóng.
Mặc dù là Phaco là phương pháp an toàn, hiệu quả nhưng kết quả phẫu thuật cũng sẽ bị tác động bởi một số yếu tố như: mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe toàn thân,… Vậy nên người bệnh cần tiến hành thăm khám để các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và tư vấn hướng điều trị phù hợp.
5. Giải đáp câu hỏi thường gặp về đục thủy tinh thể
- Phẫu thuật đục thủy tinh thể có đau không?
Không, phẫu thuật đục thủy tinh thể không đau. Người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ và hoàn toàn tỉnh táo trong suốt thời gian ca phẫu thuật diễn ra.
- Phẫu thuật đục thủy tinh thể có rủi ro gì không?
Bất cứ một phương pháp phẫu thuật nào cũng có thể xuất hiện rủi ro, bao gồm cả phẫu thuật đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, tỷ lệ này là rất thấp. Trong số đó, nhiễm trùng, xuất huyết trong mắt là tình trạng thường gặp nhất, không quá nguy hiểm và có thể xử lý một cách an toàn nên người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm khi phẫu thuật.
- Chi phí phẫu thuật đục thủy tinh thể là bao nhiêu?
Chi phí phẫu thuật đục thủy tinh thể còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: loại thủy tinh thể nhân tạo, cơ sở thực hiện phẫu thuật,… Hiện nay, chi phí này dao động trong khoảng từ 16 triệu – 50 triệu đồng/mắt.
Tóm lại, để trả lời câu hỏi “đục thủy tinh thể có chữa được không?” thì câu trả lời là có. Đây là một tình trạng phổ biến và thường gặp ở nhiều ở người cao tuổi. Hiện nay, phẫu thuật Phaco là phương pháp giúp cải thiện thị lực và phục hồi chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân mắc đục thủy tinh thể một cách an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, việc thăm khám và điều trị kịp thời là rất quan trọng để đảm bảo kết quả điều trị tốt nhất.
×