Tật khúc xạ là gì? Điều trị tật khúc xạ như thế nào?

Tật khúc xạ là gì? Tật khúc xạ là thuật ngữ chuyên ngành dùng để chỉ các vấn đề liên quan đến thị lực của mắt.

Để hiểu rõ hơn về tật khúc xạ, hãy cùng Bệnh viện mắt Thiên Thanh tìm hiểu qua các thông tin dưới đây nhé!

1.Giới thiệu về tật khúc xạ

1.1. Tật khúc xạ là gì?

Ở người có khúc xạ mắt bình thường, hình ảnh đi vào nhãn cầu sẽ hội tụ đúng trên võng mạc tạo ra hình ảnh sắc nét truyền về vỏ não. Để cho ra những hình ảnh sắc nét, trong quá trình điều tiết, thủy tinh thể phải thay đổi hình dạng bằng cách phồng lên hoặc xẹp xuống sao cho hình ảnh hội tụ đúng võng mạc. Khả năng điều tiết này của thuỷ tinh thể tốt hơn ở những người trẻ tuổi.

sự khác nhau ở mắt thường và mắt bị tật khúc xạ

Tật khúc xạ là tình trạng mà khi hình ảnh đi qua nhãn cầu không thể hội tụ đúng trên võng mạc khiến chúng ta nhìn vật nào đó mờ hơn, không được sắc nét. Khi đó, mắt chúng ta sẽ nhìn mờ hơn, hay bị mỏi mắt, phải nheo mắt nhiều để nhìn rõ hoặc có thể nhìn đôi, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc hay sinh hoạt hằng ngày.

1.2. Phân loại các tật khúc xạ

  • Cận thị: là tình trạng ánh sáng đi qua nhãn cầu hội tụ phía trước võng mạc nên người cận thị có thể nhìn xa mờ nhưng vẫn nhìn gần rõ.
  • Viễn thị: là tình trạng ánh sáng đi qua nhãn cầu hội tụ phía sau võng mạc nên người viễn thị có thể nhìn xa rõ nhưng nhìn gần mờ.
  • Loạn thị: là tình trạng ánh sáng hội tụ thành nhiều điểm trên võng mạc thay vì một điểm như bình thường nên hình ảnh nhận biết thường mờ và có cảm giác như hoa mắt.
  • Lão thị: là tình trạng mắt có thể nhìn xa rõ nhưng nhìn gần mờ do lão hóa mắt, thủy tinh thể mất khả năng thay đổi hình dạng để hội tụ hình ảnh đúng võng mạc.

Xem thêm:

phân loại tật khúc xạ

2. Các triệu chứng, dấu hiệu của tật khúc xạ là gì?

Tất các các tật khúc xạ đều khiến thị lực kém đi, trong đó,mờ mắt là triệu chứng phổ biến nhất. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp ở tật khúc xạ bao gồm:

  • Hay nheo mắt, chớp mắt nhiều để nhìn rõ sự vật.
  • Hay mỏi mắt, nhức mắt hoặc đau đầu.
  • Hình ảnh nhìn được thường mờ nhòe, xuất hiện hình đôi.
  • Cảm thấy chóng mặt khi đọc sách hoặc nhìn vào máy tính trong thời gian dài.

3. Nguyên nhân và những yếu tố tác động đến tật khúc xạ

3.1. Nguyên nhân tự nhiên

  • Bẩm sinh, di truyền: Do sự bất thường về cấu trúc mắt, nhiều trẻ sinh ra đã mắc các tật khúc xạ. Ngoài ra, nếu bố hoặc mẹ mắc tật khúc xạ thì nguy cơ con của họ mắc tật khúc xạ sẽ tăng lên. Nguy cơ này sẽ còn cao hơn nữa nếu cả hai bố mẹ cùng mắc tật khúc xạ.
  • Tuổi tác: Khi tuổi càng cao thì khả năng tự điều tiết của mắt sẽ càng kém đi, từ đó dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến mắt cũng tăng theo.

Xem thêm: Những điều cha mẹ cần biết về tật khúc xạ bẩm sinh

tuổi tác là nguyên nhân dẫn đến tật khúc xạ

3.2. Những yếu tố do con người gây ra

  • Thói quen sinh hoạt chưa tốt: ngồi sai tư thế, làm việc trong điều kiện không đủ ánh sáng, cường độ và mức độ sử dụng mắt quá lớn, mắt không có đủ thời gian để nghỉ ngơi,…
  • Có các tổn thương hay chấn thương vùng mắt, mắt phải tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ánh sáng có hại như tia lửa hàn, tia UV,…

4.Cách phòng ngừa tật khúc xạ

4.1. Phòng tránh tật khúc xạ

Tật khúc xạ tuy không quá nguy hiểm nhưng lại mang đến nhiều bất tiện trong quá trình sinh hoạt hằng ngày. Để phòng tránh tật khúc xạ, mỗi chúng ta cần chủ động chăm sóc và bảo vệ đôi mắt bằng các cách đơn giản:

  • Khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm đa dạng các loại thực phẩm tốt cho mắt: cà rốt, trứng, sữa, cải bó xôi,…
  • Xây dựng lối sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh: làm việc và học tập trong môi trường đủ ánh sáng, điều chỉnh khoảng cách nhìn sao cho phù hợp, áp dụng quy tắc 20-20-20 để mắt được nghỉ ngơi,…

5. Điều trị tật khúc xạ

Hiện nay, có 2 cách để điều trị tật khúc xạ:

5.1. Điều trị tật khúc xạ bằng cách sử dụng kính

  • Đeo kính gọng: đây là phương pháp được sử dụng phổ biến vì tiện lợi và phù hợp với tài chính của nhiều người. Tuy nhiên, chúng ta cần kiểm tra mắt định kỳ để đảm bảo kính đang sử dụng đúng độ cận. Ngoài ra, việc sử dụng kính gọng cũng sẽ gặp đôi chút khó khăn trong đi dưới trời mưa hay hoạt động thể thao.
  • Đeo kính áp tròng: loại kính này phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên và người lớn. Ưu điểm của loại kính này là nhỏ gọn, thẩm mỹ. Khi sử dụng kính áp tròng, chúng ta phải chú ý vệ sinh và bảo quản cẩn thận để tránh trường hợp làm xước giác mạc hay nhiễm trùng, kích ứng.

đeo kính áp tròng để điều trị tật khúc xạ

5.1 Điều trị tật khúc xạ bằng phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật là cách điều trị tật khúc xạ có chi phí cao nhất. Tùy theo công nghệ mà mỗi phương pháp phẫu thuật có mức chi phí khác nhau. Hai phương pháp phẫu thuật tiên tiến được áp dụng phổ biến là phẫu thuật sử dụng tia laser và phẫu thuật đặt thấu kính nội nhãn. Trước khi lựa chọn phương pháp phẫu thuật, bạn cần thăm khám chuyên sâu để các bác sĩ kiểm tra, đánh giá và tư vấn phương pháp phù hợp với mắt của mình.

tiến hành phẫu thuật tật khúc xạHy vọng thông qua bài viết này, bạn đã trả lời được câu hỏi tật khúc xạ là gì cũng như có thêm các kiến thức hữu ích liên quan đến tật khúc xạ. Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc tật khúc xạ, bạn nên thăm khám sớm để hạn chế nguy cơ tiến triển tật khúc xạ.

Bệnh viện mắt Thiên Thanh là một trong những đơn vị khám, chữa bệnh chuyên khoa mắt hàng đầu tại Việt Nam. Với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện mắt Thiên Thanh chính là địa chỉ tin cậy được nhiều bệnh nhân lựa chọn.

Để được tư vấn chi tiết hoặc đặt lịch khám tại bệnh viện, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua hotline 0243 2265 999 – 038 8967 699 hoặc qua Fanpage Bệnh viện mắt Thiên Thanh.

5/5 - (3 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *