Tăng nhãn áp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Tăng nhãn áp là tình trạng nguy hiểm khi mà áp lực bên trong mắt tăng cao một cách bất thường. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh tăng nhãn áp là gì?
Nội dung
I. Tổng quan về bệnh tăng nhãn áp
1.1. Tăng nhãn áp là gì?
Chứng tăng nhãn áp còn có tên gọi khác là glocom, thiên đầu thống hoặc cườm nước. Đây là tình trạng áp lực thủy dịch trong mắt tăng cao một cách bất thường. Ở tình trạng khỏe mạnh áp lực trong mắt sẽ ở mức 10 – 21mm thủy ngân. Khi mắc bệnh tăng nhãn áp, áp lực trong mắt sẽ tăng quá 21mm thủy ngân, thậm chí có thể lên tới 60 – 70mm thủy ngân.
Khi áp lực mắt tăng cao sẽ gây chèn ép các dây thần kinh thị giác. Khiến các tế bào thần kinh trong mắt tổn thương và chết dần. Bệnh tăng nhãn áp làm suy giảm thị lực thậm chí có thể gây mù lòa vĩnh viễn.
1.2. Phân loại bệnh tăng nhãn áp
Hiện nay bệnh tăng nhãn áp được chia làm hai nhóm chính
- Tăng nhãn áp nguyên phát gồm tăng nhãn áp góc đóng nguyên phát và tăng nhãn áp góc mở nguyên pháp
- Tăng nhãn áp thứ phát: phát triển sau khi người bệnh gặp rối loạn tại vùng mắt hoặc trên cơ thể. Tăng nhãn áp thứ phát có thể do chấn thương, viêm màng bồ đào, bệnh lý thủy tinh thể.
II. Các triệu chứng của tăng nhãn áp
Bệnh tăng nhãn áp thường không có triệu chứng rõ ràng nên không dễ phát hiện. Mỗi loại tăng nhãn áp sẽ có những dấu hiệu hiệu nhận biết khác nhau. Dấu hiệu cũng có thể không giống nhau tùy theo đặc điểm của từng người.
Bệnh tăng nhãn áp thường diễn biến từ từ. Trong thời gian đầu, người bệnh gần như không cảm thấy bất cứ ảnh hưởng nào đến thị lực. Người bệnh chỉ thấy mờ mắt thoáng qua hoặc thấu hào quang quanh đèn. Chỉ khi bệnh tiến triển nặng gây ảnh hưởng đến vùng tầm nhìn trung tâm, người bệnh mới nhận thấy thị lực kém đi. Đa phần, bệnh chỉ được phát hiện khi khám mắt định kỳ hoặc ở giai đoạn nặng.
Với các trường hợp tăng nhãn áp cấp tính (khá hiếm gặp), các dấu hiệu sẽ rõ ràng hơn. Người bệnh sẽ cảm thấy các triệu chứng sau:
- Đau mắt dữ dội theo từng cơn
- Đau đầu
- Mắt đỏ
- Thị lực suy giảm
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đau bụng
III. Nguyên nhân dẫn đến tăng nhãn áp là gì?
3.1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng nhãn áp
Áp suất cao bên trong mắt là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng nhãn áp. Khi ở trạng thái bình thường, mắt sẽ liên tục sản xuất chất lỏng gọi là thủy dịch. Chất lỏng này sẽ được tiết ra ngoài để làm sạch và nuôi dưỡng các mô trong mắt. Quá trình sản xuất và tiết thủy dịch ra ngoài tạo nên sự cân bằng cho áp lực trong mắt. Khi quá trình này xảy ra rối loạn sẽ làm mắt sự cân bằng vốn có dẫn đến tăng nhãn áp.
Tăng nhãn áp có thể do mắt sản xuất thủy dịch quá mức. Hoặc do góc thoát thủy dịch bị tắc nghẽn khiến chất lỏng trong mắt không thể thoát ra. Tình trạng này kéo dài sẽ làm cho áp suất trong mắt tăng cao. Áp lực này làm tổn thương các dây thần kinh thị giác và không thể phục hồi. Tuy nhiên nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn cần được nghiên cứu thêm để xác định chính xác.
3.2. Những yếu tố làm tăng nguy cơ tăng nhãn áp
Dù nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng tăng nhãn áp vẫn cần nghiên cứu thêm. Tuy nhiên các nhà khoa học đã xác định một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc tăng nhãn áp:
- Tuổi già: Sự lão hóa tự nhiên của mắt có thể làm tăng nguy cơ tăng nhãn áp. Các bác sĩ khuyến nghị, cứ sau 1,5 -2 năm thì người trên 40 tuổi nên kiểm tra mắt chuyên sâu để phát hiện sớm tình trạng tăng nhãn áp.
- Di truyền: Những người trong gia đình có tiền sử mắc tăng nhãn áp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Giác mạc mỏng hoặc có tật khúc xạ: Người có các bất thường trên giác mạc như giác mạc mỏng hoặc có tật khúc xạ thường dễ có nguy cơ mắc tăng nhãn áp.
- Chấn thương hoặc phẫu thuật mắt: tăng nhãn áp là một biến chứng phổ biến sau chấn thương hoặc phẫu thuật mắt. Thông thường tình trạng tăng nhãn áp sẽ giảm dần theo thời gian phục hồi. Tuy nhiên một số trường hợp cần can thiệp điều trị tình trạng này.
- Người có mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim, thiếu máu sẽ có nguy cơ mắc tăng nhãn áp cao hơn.
Sử dụng các loại thuốc chứa Corticosteroid trong một thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp.
Người lớn tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp cao hơn.
IV. Cách phòng và điều trị tăng nhãn áp
4.1. Phòng tránh tăng nhãn áp
Dưới đây là một số biện pháp được các chuyên gia tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh khuyến nghị thực hiện để bảo vệ mắt và giảm nguy cơ mất thị lực do bệnh tăng nhãn áp.
- Kiểm tra mắt định kỳ: Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao, cần định kỳ khám mắt chuyên sâu bệnh lý Glocom để phát hiện sớm bệnh tăng nhãn áp và có phương hướng điều trị phù hợp. Kể cả khi không thuộc nhóm có nguy cơ cao, cũng cần duy trì việc khám mắt định kỳ để phát hiện sớm bệnh tăng nhãn áp và các bệnh về mắt khác.
- Sử dụng biện pháp bảo vệ mắt. Chấn thương mắt có thể dẫn đến tăng nhãn áp. Hãy đeo kính bảo hộ khi làm việc với các công cụ nguy hiểm hoặc tham gia các môn thể thao.
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt theo chỉ định. Các loại thuốc nhỏ mắt chuyên dụng có thể giảm nguy cơ áp lực nội nhãn cao sẽ tiến triển thành bệnh tăng nhãn áp. Lưu ý cần sử dụng thuốc theo chỉ định của chuyên gia y tế.
- Duy trì cân nặng phù hợp, kiểm soát huyết áp, tập thể dục và tránh hút thuốc lá sẽ giúp giảm nguy cơ mất thị lực do bệnh tăng nhãn áp. Những hành vi lành mạnh này cũng sẽ giúp ngăn ngừa tiểu đường và các bệnh làm tăng nguy cơ tăng nhãn áp khác.
Xem thêm: Tăng nhãn áp có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa và điều trị
4.2. Điều trị tăng nhãn áp
Nếu bị bệnh tăng nhãn áp cần điều trị càng sớm càng tốt. Vì các tổn thương do bệnh tăng nhãn áp sẽ không thể hồi phục. Nhưng quá trình điều trị sẽ ngăn bệnh phát triển và tạo thêm tổn thương cho mắt. Người bệnh sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau cho bệnh tăng nhãn áp.
- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc nhỏ mắt theo toa là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Thuốc trị tăng nhãn áp làm giảm áp lực trong mắt và ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh thị giác.
- Điều trị bằng laze: Để giảm nhãn áp, các bác sĩ có thể sử dụng tia laser để tác động đến lối thoát thủy dịch tự nhiên hoặc tạo các lỗ thoát mới. Điều này sẽ cho phép chất lỏng chảy ra khỏi mắt và làm giảm nhãn áp.
- Phẫu thuật xâm lấn: Nếu thuốc và điều trị bằng laser không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật xâm lấn. Cắt bè củng mạc, đặt thiết bị dẫn lưu, phẫu thuật đục thủy tinh thể là ba phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng để điều trị bệnh tăng nhãn áp.
Xem thêm:
- Chi phí phẫu thuật tăng nhãn áp và cách chăm sóc sau phẫu thuật
- Các loại thuốc điều trị tăng nhãn áp và những lưu ý khi sử dụng
V. Kết luận
Tăng nhãn áp là gì? Tăng nhãn áp là một tình trạng nguy hiểm có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho thần kinh thị giác và mô mắt. Các triệu chứng và dấu hiệu của tăng nhãn áp thường rất khó để phát hiện. Vì vậy cần thăm khám thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn chặn bệnh phát triển và hạn chế nguy cơ mất thị lực. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu bất thường nào liên quan đến mắt, hãy thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được tư vấn và có hướng điều trị phù hợp.