Bệnh tăng nhãn áp có chữa được không? Phương pháp điều trị
Bệnh tăng nhãn áp có chữa được không? Chưa thể điều trị dứt điểm tăng nhãn áp nhưng có thể can thiệp để hạn chế sự phát triển của bệnh.
Tăng nhãn áp là một trong những nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới. Điều này khiến nhiều người lo lắng liệu bệnh tăng nhãn áp có chữa được không. Trong bài viết này, các chuyên gia nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh sẽ giải đáp thắc mắc trên cũng như cung cấp các thông tin cần thiết về bệnh tăng nhãn áp.
Nội dung
I. Bệnh tăng nhãn áp là gì?
Tăng nhãn áp (Glocom hay còn gọi là cườm nước) là tình trạng áp lực trong mắt tăng cao gây tổn thương lên các dây thần kinh thị giác. Thông thường, mắt người sẽ tiết ra dung dịch có tác dụng duy trì hình dạng nhãn cầu và cung cấp dinh dưỡng cho giác mạc và thủy tinh thể. Dung dịch này được gọi là thủy dịch.
Ở trạng thái bình thường, mắt sẽ tự điều chỉnh quá trình sản xuất và thoát thủy dịch để đảm bảo áp suất trong mắt ở mức phù hợp. Tuy nhiên nếu xảy ra rối loạn trong quá trình này, ví dụ như mắt sản xuất thủy dịch quá mức hoặc rãnh thoát thủy dịch bị tắc sẽ khiến áp suất trong mắt tăng cao. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ tạo ra tổn thương lên các dây thần kinh thị giác. Từ đó gây suy giảm thị lực thậm chí có nguy cơ mù lòa vĩnh viễn.
Xem thêm: Giải đáp: Bệnh tăng nhãn áp có phải là cận thị không?
III. Nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng nhãn áp
Hiện nay, nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh tăng nhãn áp vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên các nhà khoa học đã chỉ ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng này.
- Người có cha mẹ, người thân có tiền sử mắc bệnh tăng nhãn áp.
- Người trên 50 tuổi.
- Bị tiểu đường, có bệnh huyết áp cao hoặc huyết áp thấp.
- Bị viễn thị hoặc cận thị.
- Đã dùng thuốc chứa cortisone (steroid) trong thời gian dài.
- Đã thực hiện phẫu thuật mắt hoặc gặp chấn thương mắt.
II. Triệu chứng tăng nhãn áp
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh tăng nhãn áp góc mở trong giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh thường có xu hướng phát triển âm thầm trong nhiều năm. Người bệnh sẽ chỉ cảm thấy sự suy giảm ở vùng thị lực ngoại vi. Vì lý do này, nhiều người không nhận ra bản thân đang mắc bệnh tăng nhãn áp. Bệnh tăng nhãn áp thường chỉ được phát hiện khi kiểm tra mắt định kỳ.
Các triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp góc đóng thường xuất hiện nhanh hơn và rõ ràng hơn. Cùng với đó là những tổn thương cũng xảy ra nhanh chóng hơn. Nếu thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức:
- Nhìn thấy quầng sáng xung quanh đèn
- Mất thị lực
- Đỏ mắt
- Mắt nhìn mờ
- Đau bụng hoặc nôn mửa
- Đau mắt, đau đầu dữ dội
III. Bệnh tăng nhãn áp có chữa được không?
Để giải đáp câu hỏi “Bệnh tăng nhãn áp có chữa được không”, các chuyên gia nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh cho biết: Hiện nay chưa có bất cứ phương pháp nào được công nhận có thể điều trị dứt điểm bệnh tăng nhãn áp. Đồng thời các tổn thương gây ra bởi bệnh tăng nhãn áp cũng không thể phục hồi. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì hoàn toàn có thể ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Do đó các phương pháp được chỉ định cho người mắc bệnh tăng nhãn áp chỉ nhằm mục đích hạn chế tổn thương và bảo toàn thị lực.Và người bệnh sẽ cần duy trì việc điều trị suốt đời để có hiệu quả tốt nhất.
IV. Cách điều trị bệnh tăng nhãn áp
Để cung cấp thêm thông tin về vấn đề bệnh tăng nhãn áp có chữa được không, sau đây Bệnh viện Mắt Thiên Thanh sẽ giới thiệu về các phương pháp điều trị tăng nhãn áp. Hiện nay có ba phương pháp thường được áp dụng trong điều trị bệnh tăng nhãn áp gồm: sử dụng thuốc, điều trị bằng laser, phẫu thuật.
4.1. Điều trị tăng nhãn áp bằng thuốc
Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị tăng nhãn áp. Thuốc trị tăng nhãn áp có hai dạng là thuốc nhỏ mắt và thuốc uống. Trong đó thuốc nhỏ mắt là phương pháp phổ biến hơn. Các loại thuốc điều trị tăng nhãn áp chủ yếu có tác dụng làm giảm việc sản xuất thủy dịch hoặc tăng tốc độ thoát thủy dịch. Từ đó giúp hạ nhãn áp trong mắt và ngăn chặn các dây thần kinh tiếp tục bị tổn thương.
4.2 Điều trị bằng laser
Điều trị bằng laser là phương pháp được khuyến nghị nếu điều trị bằng thuốc không cải thiện các triệu chứng tăng nhãn áp. Phương pháp này sẽ sử dụng chùm ánh sáng năng lượng cao (laser) tác động vào một bộ phận nhất định trong mắt để ngăn thủy dịch tích tụ trong mắt để làm giảm áp lực trong mắt. Các phương pháp điều trị bằng laser bao gồm:
- Điều trị bằng Laser Trabeculoplasty: tia laser được sử dụng để mở các đường thoát nước trong mắt, cho phép chất lỏng thoát ra ngoài tốt hơn và giảm áp lực bên trong mắt.
- Điều trị bằng Laser Cyclodiode: Các tia laser sẽ phá hủy một số mô mắt có tác dụng tạo ra thủy dịch trong mắt. Từ đó làm giảm quá trình sản xuất thủy dịch giúp làm giảm áp lực trong mắt.
- Điều trị bằng Laser Iridotomy: bác sĩ nhãn khoa sẽ sử dụng tia laser để tạo ra các lỗ trên mống mắt cho phép thủy dịch thoát ra tốt hơn.
Quá trình điều trị bằng tia laser thường được thực hiện trong khi bệnh nhân vẫn tỉnh táo. Vùng mắt sẽ được gây tê cục bộ trong suốt thời gian phẫu thuật. Vì vậy bệnh nhân sẽ chỉ cảm thấy hơi đau hoặc nóng nhẹ. Sau khi điều trị bằng laser, một số trường hợp vẫn phải kết hợp điều trị bằng thuốc.
4.3. Phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp
Phẫu thuật thường được khuyến nghị trong trường hợp điều trị bằng thuốc hoặc laser không hiệu quả. Có hai phương pháp phẫu thuật điều trị Glocom tăng nhãn áp phổ biến nhất là:
- Cắt bè củng giác mạc: Phương pháp này sẽ tạo đường thoát cho thủy dịch bằng cách cắt bỏ một phần bè củng giác mạc và mống mắt. Việc này khiến thủy dịch thoát ra tốt hơn và giúp ổn định áp suất trong mắt.
- Cấy ống thoát thủy dịch: Phương pháp này sẽ tạo ống thoát thủy dịch bằng cách đặt một đoạn ống silicon vào trong mắt người bệnh. Khi áp dụng phương pháp này người bệnh cần băng bảo vệ mắt và phải được theo dõi trong vài tuần sau phẫu thuật.
V. Kết luận
Tăng nhãn áp là một tình trạng rất nguy hiểm và có thể dẫn đến mù lòa, khiến nhiều người băn khoăn việc bệnh tăng nhãn áp có chữa được không. Tuy nhiên thực tế dù chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, nhưng vẫn có rất nhiều cách hiệu quả để hạn chế sự phát triển của bệnh tăng nhãn áp. Người mắc tăng nhãn áp có thể điều trị bằng thuốc, can thiệp laser hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, cần duy trì việc thăm khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh.