Những lưu ý quan trọng khi sử dụng kính áp tròng cận thị

Kính áp tròng cận thị được nhiều người lựa chọn để cải thiện tầm nhìn, thoải mái trong các hoạt động thể thao và đảm bảo tính thẩm mỹ.

Cận thị là một trong ba dạng tật khúc xạ thường gặp nhất. Để khắc phục cận thị, thay vì đeo kính gọng phổ biến, nhiều người lựa chọn sử dụng kính áp tròng cận thị bởi nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, việc sử dụng kính áp tròng cũng cần phải chú ý một số điều quan trọng để đảm bảo an toàn cho mắt.

1. Tìm hiểu về kính áp tròng cận thị

1.1 Kính áp tròng cận thị là gì?

Kính áp tròng cận thị là một loại thấu kính mỏng có hình chảo, được đặt trực tiếp lên tròng đen của mắt, ôm sát vào giác mạc. Kính được thiết kế có độ cong phù hợp với giác mạc và đặc biệt là không cần gọng. Kính áp tròng cận thị có tác dụng như kính gọng thông thường, giúp cải thiện tầm nhìn để mắt thấy rõ mọi vật.

Khi đặt kính vào mắt, kính áp tròng sẽ bám sát vào giác mạc mắt. Giữa kính và bề mặt giác mạc sẽ có một lớp nước mỏng ngăn cách. Nhờ lớp nước mỏng này, kính có thể di chuyển theo chuyển động của mắt một cách trơn tru, tránh làm trầy xước giác mạc. Lớp nước mỏng sẽ được thay mới liên tục bởi nước mắt, hạn chế nguy cơ bám đọng vi khuẩn.

kính áp tròng cận thị là thấu kính mỏng hình chảo

1.2 Có bao nhiêu loại kính áp tròng cận thị?

Kính áp tròng cận thị được phân thành hai loại chính như sau:

  • Kính áp tròng mềm: Kính được thiết kế để thay thế cho kính gọng. Kính có khả năng thẩm thấu oxygen tốt, chứa từ 40% – 80% nước tùy loại, tạo cảm giác dễ chịu khi sử dụng. Kính áp tròng mềm có rất nhiều loại khác nhau: kính bảo vệ mắt, kính đổi màu,…
  • Kính áp tròng cứng: Kính có kích thước nhỏ, phù hợp với giác mạc. Kính áp tròng cứng được sử dụng để điều chỉnh tạm thời giác mạc giúp người cận có thể nhìn rõ hơn sau khi tháo kính.

Kính áp tròng mềm không có tác dụng điều chỉnh giác mạc giống như kính áp tròng cứng. Việc sử dụng kính áp tròng mềm chỉ giúp cải thiện tầm nhìn, tạo sự thoải mái và tăng tính thẩm mỹ hơn so với việc sử dụng kính gọng. Bên cạnh đó, kính áp tròng mềm không được sử dụng trong khi ngủ giống như kính áp tròng cứng. Kính áp tròng cứng được sử dụng chủ yếu với mục đích để khử độ cận tạm thời hơn là mục đích làm đẹp.

Xem thêm: Bí quyết đeo kính cận đúng cách giúp hạn chế tăng độ

các loại kính áp tròng

2. Ưu – nhược điểm khi sử dụng kính áp tròng cận thị

Tùy theo mỗi loại kính áp tròng cận thị mà chúng có những ưu điểm và nhược điểm riêng.

2.1 Ưu – nhược điểm của kính áp tròng mềm

Ưu điểm:

  • Kính được thiết kế mềm, mỏng, nhẹ, mang lại sự thoải mái khi sử dụng.
  • Kính áp tròng mềm có tính thẩm mỹ hơn so với kính gọng. Kính có thể đổi màu, không tạo cảm giác vướng víu, giúp người đeo tự tin, thoải mái hơn khi vận động hoặc chụp ảnh.
  • So với kính gọng, kính không bị mờ nhòe khi đi dưới trời mưa. Đồng thời kính áp tròng mềm cũng giúp tầm nhìn mở rộng hơn vì không bị hạn chế bởi gọng kính.

Nhược điểm:

  • Kính có thể khiến trầy xước giác mạc, viêm hoặc nhiễm trùng nếu không sử dụng đúng cách.
  • Kính áp tròng mềm có thời hạn sử dụng, cần phải thay mới khi hết hạn.
  • Kính áp tròng mềm cần được vệ sinh hàng ngày và bảo quản đúng cách.

vệ sinh kính áp tròng mềm

Kính áp tròng mềm cần được vệ sinh và bảo quản đúng cách.

 

2.2 Ưu – nhược điểm của kính áp tròng cứng Ortho – K

Ưu điểm:

  • Kính giúp kiểm soát tiến triển của tật cận thị rất tốt, đặc biệt là ở trẻ em.
  • Người đeo sau khi đeo kính có thể nhìn rõ mọi vật suốt cả ngày mà không cần sự hỗ trợ từ kính.
  • Kính có độ an toàn cao, ít nguy cơ biến chứng nếu tuân thủ tốt quy trình sử dụng và bảo quản.

Nhược điểm:

  • Kính dễ trầy xước nếu như gặp các tác động mạnh.
  • Kính phải được đeo tối thiểu tử 6-8 tiếng trong khi ngủ để phát huy tối đa công dụng.
  • Kính chỉ giúp điều chỉnh giác mạc tạm thời nên để nhìn rõ, người bệnh cần sử dụng kính đều đặn.
  • So với kính gọng và kính áp tròng, kính áp tròng cứng Ortho – K có chi phí cao hơn.

3. Hướng dẫn cách đeo/tháo kính áp tròng cận thị đúng cách

3.1 Cách đeo/tháo kính áp tròng mềm

Các bước đeo kính áp tròng mềm

  • Bước 1: Rửa sạch tay trước khi đeo/tháo kính áp tròng.
  • Bước 2: Lấy kính ra khỏi hộp và đặt lên đầu ngón tay trỏ thuận.
  • Bước 3: Mở to mắt, dùng ngón tay mở rộng hai mí trên/ dưới, không chớp mắt.
  • Bước 4: Nhìn thẳng vào gương, từ từ áp kính vào rồi nhắm mắt và chớp nhẹ vài lần.
  • Bước 5: Kiểm tra xem kính đã nằm đúng vị trí hay chưa, có cảm giác bị cộm hay khó chịu không. Nếu có thì tháo kính ra và đặt lại.
  • Bước 6: Thực hiện các bước đeo kính áp tròng tương tự với mắt còn lại.

Các bước tháo kính áp tròng mềm

  • Bước 1: Mắt nhìn vào gương và liếc mắt lên phía trên.
  • Bước 2: Kéo mi mắt dưới bằng ngón tay giữa.
  • Bước 3: Bóp nhẹ và lấy kính ra ngoài bằng ngón cái và ngón tay trỏ.
  • Bước 4: Thay nước ngâm và bảo quản kính trong nước ngâm.

Bảo quản kính áp tròng đúng cách

3.2 Các bước đeo/tháo kính áp tròng cứng Ortho – K

Các bước đeo kính áp tròng cứng Ortho – K

Kính áp tròng cứng Ortho – K được đeo trước khi đi ngủ tối khoảng 15 phút.

  • Bước 1: Vệ sinh tay thật sạch sẽ bằng xà phòng.
  • Bước 2: Nhỏ nước mắt nhân tạo vào hai mắt.
  • Bước 3: Rửa lại kính bằng nước muối sinh lý và kiểm tra xem kính còn bụi hay không.
  • Bước 4: Đặt kính lên đầu ngón trỏ, nhỏ nước mắt nhân tạo vào phía mặt bên trong của kính.
  • Bước 5: Nhìn thẳng vào trong gương, dùng ngón tay mở rộng phần mí trên và mí dưới rồi nhẹ nhàng đặt kính vào chính giữa tròng đen của mắt.
  • Bước 6: Nhắm mắt rồi chớp nhẹ vài lần và kiểm tra vị trí của kính.
  • Bước 7: Đổ bỏ phần nước ngâm và đẻ khay đựng nước ngâm kính tự khô.

Các bước tháo kính áp tròng cứng Ortho – K

Kính Ortho – K được tháo vào sáng hôm sau khi ngủ dậy.

  • Bước 1: Rửa tay thật sạch bằng xà phòng.
  • Bước 2: Nhỏ nước mắt nhân tạo vào hai mắt.
  • Bước 3: Mắt nhìn thẳng vào trong gương, dùng các ngón tay mở rộng mí trên và mí dưới, áp đầu que lấy kính vào khoảng 2/3 lòng đen và nhẹ nhàng tháo kính ra.
  • Bước 4: Lấy kính ra khỏi que, cho vào hộp và đổ nước ngâm kính ngập mặt kính rồi đậy nắp.

4. Một số lưu ý khi sử dụng kính áp tròng cận thị

Để sử dụng kính áp tròng cận thị an toàn và hiệu quả, với mỗi loại kính bạn cần có những lưu ý đặc biệt. Dưới đây là hướng dẫn từ bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh về lưu ý khi sử dụng kính áp tròng cận thị:

  • Cần đi thăm khám và tư vấn về việc đeo kính áp tròng để được kiểm tra, tư vấn loại kính có độ cần phù hợp, tránh tình trạng kích ứng.
  • Tuyệt đối không sử dụng kính áp tròng khi đã hết hạn sử dụng.
  • Không đeo kính áp tròng khi đang gặp các vấn đề về mắt.
  • Không tái sử dụng dung dịch ngâm kính cũ.
  • Nếu cần trang điểm thì phải đeo kính ánh tròng trước khi trang điểm.
  • Không nên đeo kính áp tròng mềm trong thời gian dài, cần cho mắt thời gian nghỉ ngơi
  • Không sử dụng chung kính áp tròng.
  • Luôn rửa tay thật sạch trước khi đeo hay tháo kính áp tròng.
  • Không đeo kính áp tròng mềm khi ngủ, kính áp tròng cứng chỉ sử dụng khi đi ngủ.
  • Không sử dụng kính áp tròng nếu thấy có dấu hiệu trầy xước hoặc bị rách.
  • Sử dụng kính áp tròng có thương hiệu, uy tín để đảm bảo an toàn.

Xem thêm:

Cận thị là gì? Phân loại cận thị và các triệu chứng hay gặp

Những điều cần lưu ý về bệnh thoái hóa võng mạc cận thị

Kính áp tròng cận thị vừa cải thiện tầm nhìn tốt hơn, vừa tăng tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, người sử dụng cần nắm chắc cách sử dụng kính áp tròng đúng cách để đảm bảo an toàn và hiệu quả tốt nhất.

Đánh giá bài viết post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *