Cảnh giác 6 biến chứng thường gặp sau mổ đục thủy tinh thể
Nhìn chung phẫu thuật đục thủy tinh thể an toàn và hiệu quả. Nhưng người bệnh vẫn cần cảnh giác với các biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể là phẫu thuật được thực hiện phổ biến nhất trong ngành nhãn khoa. Dù được đánh giá cao về tính an toàn, hiệu quả, tuy nhiên vẫn tồn tại một số biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể mà người bệnh cần cảnh giác.
Nội dung
I. Tổng quan về phẫu thuật đục thủy tinh thể
1.1 Quy trình mổ đục thủy tinh thể
Phẫu thuật đục thủy tinh thể là phương pháp duy nhất giúp điều trị hoàn toàn bệnh đục thủy tinh thể. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ thủy tinh thể đã bị đục. Sau đó đặt một thấu kính nội nhãn vào vị trí của thủy tinh thể cũ. Thấu kính này được thiết kế đặc biệt để thay thế chức năng của thủy tinh thể tự nhiên.
Phẫu thuật được đánh giá là phương pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị đục thủy tinh thể. Phẫu thuật không gây đau đớn, không chảy máu. Người bệnh có thể ra viện ngay trong ngày phẫu thuật.
1.2 Độ ăn toàn của phẫu thuật đục thủy tinh thể
Phẫu thuật đục thủy tinh thể được coi là một phẫu thuật có rủi ro thấp. Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật thành công và thị lực của người bệnh được cải thiện ngay lập tức. Trên 98% các ca phẫu thuật không có bất kỳ tác dụng phụ nào. Phần lớn các trường hợp gặp phải biến chứng đều có thể điều trị được. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ bệnh nhân xảy ra biến chứng nghiêm trọng có thể để lại ảnh hưởng lâu dài đến thị lực.
Việc thăm khám, kiểm tra trước phẫu thuật sẽ giúp bác sĩ xác định các nguy cơ có thể xảy ra với người bệnh. Từ đó có hướng điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân giúp giảm tối thiểu nguy cơ biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể.
Xem thêm: Phẫu thuật đục thủy tinh thể là gì? Những điều người bệnh cần biết
III. Các biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể thường gặp
Các biến chứng có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc phát triển dần sau phẫu thuật. Các biến chứng như bầm tím, sưng mí mắt, tăng nhãn áp, khô mắt, nhạy cảm với ánh sáng thường xuất hiện ngay sau khi phẫu thuật. Những biến chứng này sẽ được bác sĩ điều trị theo dõi qua các đợt tái khám. Thông thường các triệu chứng này sẽ giảm dần trong quá trình phục hồi. Nếu bệnh tiến triển gây đau đơn, giảm thị lực hoặc chảy dịch sẽ cần can thiệp để điều trị.
Đục bao sau là biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể phổ biến nhất. Ngoài ra còn có một số biến chứng với tỷ lệ xuất hiện thấp hơn như:
- Viêm nội nhãn
- Phù hoàng điểm
- Rách, bong võng mạc
- Tăng nhãn áp
- Lệch thấu kính
3.1. Đục bao sau
Biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể phổ biến nhất là đục bao sau. Trong quá trình phẫu thuật, phần nhân và bao trước thủy tinh thể sẽ được loại bỏ. Bao sau (lớp màng mỏng trong suốt bao quanh thủy tinh thể) được giữ lại. Lớp màng này có chức năng cố định thủy tinh thể nhân tạo.
Trong một số trường hợp, các tế bào biểu mô gây bệnh tiếp tục phát triển và xâm lấn. Gây ra tình trạng đục bao sau làm giảm thị lực của người bệnh. Theo nghiên cứu, trong vòng 1 năm sau phẫu thuật, tình trạng đục bao sau xảy ra ở 11,8% bệnh nhân. Tuy nhiên biến chứng này có thể hình thành tại bất cứ thời điểm nào sau phẫu thuật.
Biến chứng đục bao sau có thể điều trị hiệu quả bằng phẫu thuật laser YAG. Bác sĩ sẽ sử dụng laser cắt bỏ một phần nhỏ của vùng bao sau bị đục. Điều này sẽ cho phép ánh sáng đi qua, giúp phục hồi thị lực của người bệnh. Phẫu thuật YAG được đánh giá cao về độ an toàn, hiệu quả. Đối với bệnh nhân quá trình phẫu thuật diễn ra rất nhanh chóng và thoải mái.
Phẫu thuật laser điều trị đục bao sau
3.2. Viêm nội nhãn
Viêm nội nhãn là biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể rất nguy hiểm. Viêm nội nhãn xảy ra do sự xâm nhập của vi khuẩn, vi sinh vật hoặc nấm mốc. Viêm nội nhãn là một biến chứng khá hiếm gặp. Chỉ có khoảng 0,5 – 3 phần nghìn trường hợp gặp biến chứng viêm nội nhãn. Tuy nhiên biến chứng này có thể đe dọa thị lực của người bệnh. Khoảng một 15-30% bệnh nhân viêm nội nhãn có tiên lượng nặng.
Các triệu chứng phổ biến nhất của viêm nội nhãn bao gồm:
- Đau mắt trở nên tồi tệ hơn sau khi phẫu thuật mắt
- Chảy mủ trắng hoặc vàng
- Mắt đỏ
- Mí mắt sưng
- Giảm hoặc mờ thị lực, hoặc mất thị lực
Khi phát hiện các triệu chứng trên người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời. Viêm nội nhãn chủ yếu được điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm. Trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể cần phẫu thuật.
3.3. Phù hoàng điểm
Phù hoàng điểm là tình trạng các túi dịch tích tụ tại khu vực trung tâm võng mạc. Biến chứng này thường xảy ra trong khoảng 6 đến 8 tuần sau phẫu thuật. Hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng tăng độ dày hoàng điểm sau phẫu thuật. Nhưng phần lớn đều có xu hướng tự khỏi. Chỉ một tỉ lệ rất nhỏ, bệnh sẽ tiếp tục phát triển và gây ảnh hưởng đến thị lực.
Đáng chú ý, phù hoàng điểm không có nhiều dấu hiệu rõ ràng để có thể phát hiện sớm. Thời gian đầu, người bệnh sẽ chỉ cảm thấy nhìn mờ và màu sắc nhạt đi đôi chút. Tuy nhiên phù hoàng điểm có thể được phát hiện qua các đợt tái khám định kỳ sau phẫu thuật. Khi phát hiện bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc uống và thuốc nhỏ mắt để điều trị.
3.4. Rách, bong võng mạc
Rách/ bong võng mạc là tình trạng xuất hiện lỗ hoặc vết rách trên võng mạc. Điều này khiến cho võng mạc không thể tiếp cận nguồn cung cấp máu để nuôi dưỡng các tế bào. Qua thời gian sẽ khiến võng mạc tổn thương và có nguy cơ làm mất thị lực vĩnh viễn.
Với các phương pháp phẫu thuật cũ, rách hoặc bong võng mạc là một biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể khá phổ biến. Tuy nhiên với sự phát triển của kỹ thuật phaco (loại bỏ đục thủy tinh thể bằng sóng siêu âm), tỷ lệ xảy ra rách/bong võng mạc đã giảm xuống dưới 1%. Tuy nhiên đây vẫn là một rủi ro tiềm tàng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. Nguy cơ bong/rách võng mạc sau mổ đục thủy tinh thể tăng lên nếu:
- Bao thủy tinh thể bị vỡ trong quá trình phẫu thuật
- Bệnh nhân bị cận thị nặng
- Bệnh nhân hoặc gia đình có tiền sử bong võng mạc
- Người bệnh có sẵn các bệnh về mắt, đặc biệt là các bệnh liên quan đến võng mạc.
Hầu hết người bệnh không cảm thấy đau hay khó chịu khi bị bong võng mạc. Do đó cần chú ý đến những thay đổi trong thị giác như tầm nhìn tối đi, mờ mắt đột ngột, thấy ánh sáng nhấp nháy. Đây là những dấu hiệu để phát hiện sớm tình trạng bong võng mạc. Phát hiện sớm là yếu tố cốt lõi để điều trị bong võng mạc thành công. Càng trì hoãn thị lực của người bệnh càng có nguy cơ bị tổn thương vĩnh viễn.
3.5. Tăng nhãn áp
Trong quá trình phẫu thuật bác sĩ sẽ tiêm vào mắt một loại gel đặc biệt để định hình và bảo vệ mắt. Sau khi kết thúc phẫu thuật, hầu hết chất gel này sẽ được loại bỏ khỏi mắt. Phần gel còn lại sẽ hòa tan và được hấp thụ ngược vào mắt. Chất gel này làm chậm tốc độ thoát thủy dịch tự nhiên của mắt. Khiến cho áp lực trong mắt tạm thời tăng lên trong vòng 1 – 2 tuần sau phẫu thuật.
Thông thường tình trạng tăng nhãn áp sẽ biến mất sau khi chất gel bảo vệ được hòa tan hoàn toàn. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nhãn áp tăng cao đến mức nguy hiểm khiến người bệnh cảm thấy đau nhức, buồn nôn. Do áp lực tác động lên các dây thần kinh thị giác. Khi thấy các triệu chứng này, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ. Nếu nhãn áp tiếp tục tăng cao, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc các biện pháp điều trị khác để giảm áp suất trong mắt. Điều này nhằm giảm cảm giác khó chịu và bảo vệ thị lực của người bệnh.
3.6 Lệch thấu kính
Mặc dù hiếm gặp, nhưng lệch thấu kính là một trong những biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể. Lệch thấu kính là tình trạng thấu kính nội nhãn được đặt vào mắt bệnh nhân không ở đúng vị trí. Khiến cho người bệnh nhìn thấy ảnh chồng hoặc thấy một phần mép thấu kính. Nguyên nhân chính gây ra biến chứng này là do lớp bao thủy tinh thể không đủ để cố định thấu kính. Để điều trị biến chứng này, bác sĩ có thể phẫu thuật để cố định lại thấu kính. Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ phải cấy ghép một loại thấu kính khác..
Thấu kính icl được sử dụng trong phẫu thuật đục thủy tinh thể
IV. Cách chăm sóc hậu phẫu để phòng ngừa các biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể
Để phòng ngừa và hạn chế rủi ro từ các biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể, người bệnh cần có chế độ chăm sóc và theo dõi tình trạng mắt đặc biệt. Sau mổ đục thủy tinh thể cần lưu ý các vấn đề sau:
4.1. Chế độ sinh hoạt
Sau phẫu thuật người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Hạn chế làm việc nặng, vận động mạnh trong tối thiểu 2 tuần sau phẫu thuật
- Ăn uống đủ chất, bổ sung các loại vitamin, chất chống oxy hóa.
- Đeo kính bảo vệ mắt khi ngủ.
- Che chắn mắt khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, bụi bẩn, ánh sáng mặt trời và các tác nhân gây hại khác
- Không dùng tay chạm hoặc dụi mắt
- Không để nước tiếp xúc với mắt trong ít nhất 2 tuần đầu sau phẫu thuật.
Xem thêm:
- Học chuyên gia cách chăm sóc mắt sau mổ đục thủy tinh thể
- Mổ đục thủy tinh thể kiêng ăn gì? 6 loại thực phẩm nên tránh
4.2. Thăm khám và sử dụng thuốc
Để hạn chế các biến chứng, sau mổ đục thủy tinh thể người bệnh thường được kê một số loại thuốc với tác dụng giảm đau, giảm viêm, kháng sinh. Các loại thuốc này cần được sử dụng đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Ngoài ra người bệnh cần thăm khám định kỳ để được theo dõi sát sao tình trạng phục hồi. Tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh, trong vòng 4 tháng sau phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể, người bệnh được tái khám miễn phí không giới hạn số lần. Điều này sẽ giúp bác sĩ kiểm soát tình trạng phục hồi của người bệnh và có biện pháp can thiệp kịp thời nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường.
V. Kết luận
Nhìn chung phẫu thuật đục thủy tinh thể được coi là một thủ thuật với rủi ro thấp. Hơn 98% ca phẫu thuật giúp người bệnh phục hồi thị lực thành công mà không có bất cứ biến chứng nào.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số rủi ro khi phẫu thuật đục thủy tinh thể. Đục bao sau, viêm nội nhãn, phù hoàng điểm, bong võng mạc, tăng nhãn áp, lệch thấu kính là những biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể phổ biến nhất. Hầu hết các biến chứng này đều không gây ảnh hưởng nhiều đến thị lực. Thêm vào đó sự phát triển của các phương pháp phẫu thuật hiện đại cũng như việc chăm sóc đúng cách giúp làm giảm tỷ lệ biến chứng. Vì vậy người bệnh không nên ngần ngại trong việc can thiệp phẫu thuật để điều trị đục thủy tinh thể.
Để được giải đáp, thăm khám, tư vấn chuyên sâu về bệnh đục thủy tinh thể vui lòng liên hệ hotline 038 8967 699 – 0243 2265 999, website hoặc facebook Bệnh viện Mắt Thiên Thanh để được xếp lịch hẹn với đội ngũ bác sĩ nhãn khoa đầu ngành.