Cận thị và viễn thị khác nhau thế nào? Cách điều trị hiệu quả
Cận thị và viễn thị là hai tật khúc xạ phổ biến, thường gặp ở mọi lứa tuổi, đều gây suy giảm thị lực và khiến người mắc gặp nhiều phiền toái.
Các bệnh lý về mắt ngày càng có xu hướng gia tăng, điển hình là tật cận thị và viễn thị. Hai loại tật khúc xạ này tuy có một số điểm tương đồng nhưng cũng rất dễ để phân biệt. Bởi tình trạng của chúng gần như trái ngược hoàn toàn với nhau.
Nội dung
1. Cận thị và viễn thị là gì?
Ở mắt không bị tật khúc xạ (mắt chính thị), các hình ảnh đi qua nhãn cầu sẽ hội tụ đúng trên võng mạc mắt. Điều này khiến các tín hiệu hình ảnh được truyền về não bộ rõ ràng và sắc nét. Tuy nhiên, ở mắt bị tật cận thị, các hình ảnh sẽ hội tụ phía trước võng mạc. Ngược lại, hình ảnh ở mắt viễn thị lại hội tụ phía sau võng mạc.
Vì vậy nên người cận thị có thể nhìn rõ các vật ở gần còn ở khoảng cách xa, hình ảnh vật sẽ bị mờ nhòe. Trong khi đó, người mắc viễn thị lại có khả năng nhìn rõ vật ở xa và gặp khó khăn khi nhìn gần.
Cận thị và viễn thị đều có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi. Nhưng đối tượng mắc cận thị chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 6- 18 tuổi. Trong khi đó, viễn thị lại tập trung ở những người có độ tuổi ngoài 40. Dù là loại tật khúc xạ nào thì chúng cũng đều ảnh hưởng đến tầm nhìn, đem đến nhiều bất tiện trong cuộc sống hằng ngày cho người mắc phải.
2. Nguyên nhân gây cận thị, viễn thị
Yếu tố di truyền là nguyên nhân chung có thể gây ra tình trạng cận thị và viễn thị. Điều này có nghĩa là, khi bố mẹ mắc cận thị hoặc viễn thị thì trẻ sinh ra cũng có nguy cơ cao mắc cận thị/viễn thị giống như bố mẹ. Ngoài ra, mỗi loại tật khúc xạ này cũng có những nguyên nhân riêng
Nguyên nhân gây cận thị phổ biến:
- Trục nhãn cầu dài hơn so với bình thường khiến hình ảnh hội tụ phía trước võng mạc.
- Tư thế ngồi học và làm việc không đúng, khoảng cách nhìn của mắt quá gần.
- Học tập và làm việc trong môi trường không đủ ánh sáng.
- Mắt tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá lâu, không có thời gian nghỉ ngơi.
- Trẻ sinh thiếu tháng, có cân nặng dưới 2,5kg.
Nguyên nhân gây viễn thị thường gặp:
- Trục nhãn cầu quá ngắn, không đủ dài so với bình thường khiến hình ảnh bị hội tụ phía sau võng mạc.
- Sự lão hóa tự nhiên của cơ thể khiến thủy tinh thể mất dần khả năng đàn hồi.
Người có thói quen nhìn xa thường xuyên khiến thủy tinh thể luôn trong tình trạng giãn, mất khả năng phồng lên. - Các bệnh lý liên quan đến giác mạc hoặc khối u ở mắt.
3. Các triệu chứng của cận thị và viễn thị
Cả cận thị và viễn thị đều khiến mắt có một số triệu chứng giống nhau như:
- Mắt có dấu hiệu mỏi nhức, có tình trạng khô mắt hoặc chảy nước mắt.
- Người bệnh có cảm giác đau đầu, đặc biệt khi tập trung quan sát.
- Mắt thường có xu hướng nheo lại để nhìn rõ các vật hơn.
Bên cạnh đó, người mắc tật cận thị sẽ có thêm một số biểu hiện khác như:
- Thường có xu hướng cúi sát, nhìn sát để nhìn rõ hơn.
- Các hình ảnh ở vị trí xa thường mờ nhòe, không rõ ràng.
- Khó khăn khi nhìn trong bóng tối hoặc trong môi trường thiếu sáng.
Mắt viễn thị cũng có một số dấu hiệu nhận biết dễ dàng khác như:
- Mắt có tình trạng lác (lé) trong.
- Khi đọc sách báo thường có xu hướng đưa ra xa để nhìn rõ hơn.
4. Cận thị và viễn thị có nguy hiểm không?
Ở mức độ nhẹ, cận thị và viễn thị đều không quá nguy hiểm mà chỉ khiến thị lực bị suy giảm, ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên, khi tiến triển nặng, chúng sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực và có thể dẫn đến mù lòa.
Một số biến chứng nguy hiểm hay gặp ở người cận thị nặng như:
- Bong hoặc rách võng mạc, xuất huyết dịch kính bên trong mắt.
- Bệnh đục thủy tinh thể.
- Thoái hóa võng mạc, thoái hóa điểm vàng ở mắt.
- Bệnh tăng nhãn áp (bệnh Glocom).
Trong khi đó, tình trạng viễn thị nặng có thể dẫn đến một số biến chứng:
- Nhược thị.
- Lác (lé) mắt.
Như vậy, việc phát hiện và điều trị sớm cận thị, viễn thị là điều cực kỳ quan trọng. Bởi một khi tiến triển nặng, các biến chứng do hai tật khúc xạ gây ra có thể rất khó để cải thiện,hồi phục thị lực như ban đầu.
5. Điều trị cận thị, viễn thị như thế nào?
Dù hai tật khúc xạ này có nhiều điểm khác nhau nhưng đều có cách điều trị tương tự nhau:
5.1 Đeo kính gọng hoặc kính áp tròng mềm
Kính gọng luôn là sự lựa chọn thông dụng nhất để điều trị cận thị hoặc viễn thị. Khi mắc tật cận thị, người bệnh sẽ đeo kính gọng có mắt kính là thấu kính phân kì. Trong khi đó, người viễn thị sẽ sử dụng thấu kính hội tụ.
Bên cạnh một số ưu điểm như: tiện lợi, chi phí hợp lý,… thì kính gọng cũng có một số nhược điểm. Đầu tiên là sự bất tiện khi sử dụng trong thời tiết mưa hay trong khi vận động. Với một số người hay trang điểm thì kính gọng cũng ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Để khắc phục nhược điểm này, người bệnh có thể lựa chọn kính áp tròng mềm.
Khi lựa chọn kính gọng, người bệnh cần lưu ý chọn gọng kính không quá nặng, mắt kính nên có độ chiết xuất cao để việc đeo kính dễ dàng, thoải mái. Ngoài ra, mắt kính cũng cần có thêm khả năng chống lóa, phản quang hay lọc ánh sáng xanh vừa để bảo vệ và cải thiện tầm nhìn một cách tốt nhất.
Với những người sử dụng kính áp tròng thì lựa chọn kỹ nguồn gốc của kính để đảm bảo an toàn. Đồng thời, khi sử dụng cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt quá trình vệ sinh và bảo quản. Kính áp tròng cũng có hạn sử dụng nên tuyệt đối không mang kính đã hết hạn. Ngoài ra, với một số người có mắt nhạy cảm có thể xảy ra tình trạng kích ứng, viêm nhiễm.
Xem thêm:
- Tại sao đeo kính cận bị nhức mắt? Khắc phục như thế nào?
- Bị cận không đeo kính có sao không? Lưu ý khi đeo kính cận
- Giải đáp: Cận 1.5 độ có nên đeo kính thường xuyên không?
5.2 Sử dụng kính tiếp xúc cứng Ortho – K
Kính Ortho – K là một trong những phương pháp điều trị cận thị và viễn thị phổ biến tiếp theo. Với thiết kế đặc biệt, kính Ortho – K giúp điều chỉnh lại giác mạc một cách tạm thời. Người bệnh cần đeo kính trước khi ngủ buổi tối và đảm bảo thời gian đeo từ 6 – 8 giờ. Sau khi tháo kính vào sáng hôm sau, người bệnh có thể nhìn rõ mà không cần thêm sự hỗ trợ nào khác.
Kính Ortho – K phù hợp với mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn. Tuy nhiên, theo các bác sĩ tại bệnh viện Mắt Thiên Thanh, người bệnh cần kiểm tra mắt cẩn thận trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, để có thể duy trì thị lực sắc nét như lúc tháo kính, người bệnh cần đảm bảo tần suất đeo kính đều đặn. Bởi nếu ngừng đeo kính, giác mạc và thị lực sẽ phục hồi lại như tình trạng ban đầu. Tương tự với kính áp tròng mềm, kính Ortho – K cũng cần phải vệ sinh và bảo quản đúng cách để tránh viêm nhiễm cho mắt.
5.3 Phẫu thuật
Phẫu thuật là giải pháp khắc phục cận thị, viễn thị cuối cùng. Tuy nhiên, đây cũng là phương pháp mang lại hiệu quả tối ưu nhất. Để có thể phẫu thuật, người bệnh cần đủ 18 tuổi trở lên và phù hợp với một số điều kiện cơ bản khác.
Trong ngành nhãn khoa, có rất nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị tật khúc xạ nói chung. Nhưng 3 phương pháp hiện đại và được lựa chọn nhiều nhất hiện nay chính là:
- Femtosecond lasik: Phương pháp phẫu thuật không sử dụng dao vi phẫu. Toàn bộ quá trình đều sử dụng tia laser, đảm bảo độ chính xác, an toàn cao.
- ReLEx SMILE: Đây là phương pháp dẫn đầu trong phẫu thuật điều trị tật khúc xạ nói chung sử dụng tia laser. ReLEx SMILE có thời gian điều trị chỉ 23s mỗi mắt, tốc độ hồi phục nhanh chóng.
- Phakic ICL: Phương pháp đặt thấu kính nội nhãn này phù hợp với những người có giác mạc mỏng và độ cận/viễn cao. Với ưu điểm bảo toàn cấu trúc giác mạc mắt, hạn chế biến chứng, người bệnh có thể an tâm lấy lại thị lực sắc nét.
Để xác định xem bản thân có đủ điều kiện phẫu thuật cũng như phù hợp với phương pháp nào, người bệnh cần được khám mắt chuyên sâu tư vấn phẫu thuật điều trị tật khúc xạ. Điều này giúp các bác sĩ đánh giá tình trạng mắt và tư vấn phương pháp phù hợp, an toàn nhất.
6. Cách phòng ngừa tật cận thị và viễn thị
Tật cận thị và viễn thị có thể được phòng ngừa thông qua một số cách đơn giản sau:
- Xây dựng chế độ làm việc khoa học, cần cho mắt nghỉ ngơi 5 – 10 phút sau 30 – 45 phút làm làm việc.
- Nơi làm việc cần đủ ánh sáng, ngồi đúng tư thế và hạn chế thức khuya.
- Dành thời gian vui chơi, tham gia các hoạt động ngoài trời.
- Tăng cường các thực phẩm tốt cho mắt: trứng, sữa, cà rốt, rau cải bó xôi, cá hồi, khoai lang,…
- Tái khám mắt định kỳ theo lịch hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ nhãn khoa.
Nhìn chung, cận thị và viễn thị có thể dễ dàng phân biệt dựa trên các biểu hiện, triệu chứng cụ thể. Tuy có nhiều nét trái ngược nhưng chúng lại có cách điều trị giống nhau. Hai tật khúc xạ cần được phát hiện và điều trị sớm tránh những biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn tới mù lòa cao.