Viêm kết mạc là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Viêm kết mạc là gì? Viêm kết mạc là một bệnh lý về mắt thường gặp vào mùa hè và khả năng lây lan thành dịch nhanh chóng.
Viêm kết mạc gây ra cảm giác khó chịu ở mắt, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh. Nếu tình trạng này kéo dài, bệnh có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Vậy viêm kết mạc là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh như thế nào? Cùng bệnh viện Mắt Thiên Thanh tìm hiểu chi tiết về chủ đề này để phòng tránh kịp thời.
Nội dung
1. Viêm kết mạc là gì?
Kết mạc mắt ở người được cấu tạo bởi 2 bộ phận là kết mạc nhãn cầu và kết mạc mi. Trong đó, kết mạc nhãn cầu là một lớp màng mỏng trong suốt ở bề mặt lòng trắng. Lớp niêm mạc lót bên trong mi dưới và mi trên là kết mạc mi. Viêm kết mạc xảy ra khi lớp niêm mạc này bị viêm do các tác nhân gây bệnh gây ra. Bệnh viêm kết mạc mắt còn được biết đến nhiều và phổ biến hơn với cái tên là đau mắt đỏ. Lý do là vì khi mắc bệnh, các mạch máu trong mắt bị kích thích và sưng lên. Điều này khiến tròng trắng của mắt có màu đỏ hoặc hồng.
Viêm kết mạc mắt có thể xuất hiện vào mọi thường điểm trong năm. Bệnh dễ lây lan và có nguy cơ bùng phát thành dịch, đặc biệt là vào mùa hè. Bệnh mang lại sự khó chịu cho người mắc. Nếu được điều trị sớm, bệnh hầu như không để lại biến chứng. Một số biến chứng có thể xảy ra nếu tình trạng viêm kết mạc kéo dài: biến dạng bờ mi, sẹo giác mạc, khô mắt,…
2. Nguyên nhân gây viêm kết mạc
Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm kết mạc mắt. Tuy nhiên, các bác sĩ tại bệnh viện Mắt Thiên Thanh chia làm 4 nhóm tác nhân chính sau:
2.1 Virus
Đây là nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc thường gặp nhất, chiếm đến 80% tổng số ca mắc bệnh. Một số virus gây bệnh chủ yếu: Herpes zoster, Enterovirus, Herpes simplex,…
Bệnh thường đi kèm cùng với các triệu chứng như cảm lạnh, cảm cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Bệnh rất dễ lây lan khi người nhiễm virus cảm lạnh ho hay hắt hơi. Bên cạnh đó, virus có thể lây lan dọc theo màng nhầy của cơ thể, kết nối mũi, cổ họng, phổi, ống dẫn nước mắt và kết mạc.
Viêm kết mạc do virus thường ảnh hưởng ở một mắt và lan sang mắt còn lại trong một vài ngày sau đó. Bệnh thường kéo dài trong khoảng từ 7 – 10 ngày, giảm dần và khỏi hẳn. Nếu được điều trị tích cực, viêm kết mạc hầu như không để lại biến chứng hay tổn thương nào cho mắt.
2.2 Vi khuẩn
Vi khuẩn là nguyên nhân tiếp theo gây bệnh viêm kết mạc ở mắt. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể theo nhiều con đường khác nhau, sau đó chúng tấn công vào giác mạc và gây nên phản ứng viêm.
Người bệnh có thể nhiễm khuẩn do các nguyên nhân như: tiếp xúc với dịch mắt chứa vi khuẩn của người bệnh, vệ sinh kém,… Ngoài ra khi sử dụng chung đồ trang điểm hay đồ cá nhân cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm kết mạc mắt do vi khuẩn. Một số vi khuẩn gây viêm phổ biến nhất như: tụ cầu vàng, não mô cầu, lậu cầu, phế cầu,…
Viêm kết mạc do vi khuẩn phổ biến ở trẻ em nhiều hơn và có thể đi kèm tình trạng viêm tai giữa. Mặc dù không phổ biến nhiều nhưng viêm kết mạc do vi khuẩn thường gây nên những tổn thương nặng và kéo dài hơn. Đặc biệt, ở một số loại vi khuẩn gây bệnh, người mắc có thể gặp những biến chứng nguy hiểm: sẹo kết mạc, mắt hột, thủng mắt,…
2.3 Dị ứng
So với hai nguyên nhân trên thì viêm kết mạc mắt do dị ứng không có yếu tố lây nhiễm. Nguyên nhân là do người bệnh tiếp xúc với các tác nhân có nguy cơ gây dị ứng: phấn hoa, lông động vật,…
Bệnh thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng và thường tái đi tái lại nhiều lần. Chỉ cần không tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng thì tình trạng viêm kết mạc của người bệnh sẽ giảm dần và khỏi hẳn.
2.4 Các tác nhân gây bệnh khác
Tình trạng viêm kết mạc mắt cũng có thể xảy ra trong một số trường hợp như:
- Mắt tiếp xúc với hóa chất.
- Có dị vật ở trong mắt.
- Sự tắc nghẽn của tuyến lệ.
- Sử dụng kính áp tròng không đúng cách, kém vệ sinh.
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm kết mạc
Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh mà viêm kết mạc thường có các dấu hiệu khác nhau. Tuy nhiên, viêm kết mạc mắt cũng có thể dễ dàng nhận biết được qua một số dấu hiệu phổ biến sau:
- Đỏ mắt: Một trong những triệu chứng điển hình của bệnh là đỏ mắt. Phản ứng viêm khiến các mạch máu trong mắt sưng, lòng trắng bị nhuộm hồng/đỏ.
- Mắt có cảm giác nóng rát, ngứa ngáy, khó chịu như có dị vật kẹt lại trong mắt.
- Mắt tiết dịch nhiều hơn và có thể chảy nước mắt. Dịch tiết ra thường có màu vàng xanh.
- Mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng, cảm thấy chói khi tiếp xúc với ánh sáng.
- Mắt có hiện tượng đóng màng, ghèn mắt xuất hiện nhiều sau khi thức dậy.
4. Điều trị bệnh viêm kết mạc như thế nào?
Theo các bác sĩ tại bệnh viện Mắt Thiên Thanh, hầu hết các trường hợp viêm kết mạc mắt đều là lành tính. Việc điều trị bệnh đều dựa trên nguyên nhân gây bệnh:
- Viêm kết mạc do virus: Bệnh thường khá nhẹ, tự khỏi sau 7 – 14 ngày mà không cần điều trị. Số ít trường hợp mất 2 – 3 tuần để khỏi bệnh. Các di chứng bệnh để lại hầu như là không có. Các bác sĩ chủ yếu điều trị các triệu chứng của bệnh bao gồm: chườm mắt, rửa sạch mắt bằng nước sạch. Ngoài ra, người bệnh có thể nhỏ nước mắt nhân tạo để tránh khô mắt và sử dụng kháng sinh theo chỉnh định bác sĩ để tránh bội nhiễm.
- Viêm kết mạc do vi khuẩn: Thường sử dụng kháng sinh nhỏ hoặc tra mắt theo chỉ định của bác sĩ.
- Viêm kết mạc do dị ứng: Người bệnh cần xác định tác nhân gây dị ứng và tránh tiếp xúc tác nhân ấy. Ngoài ra, các bác sĩ có thể sử dụng thêm thuốc chống dị ứng, nước mắt nhân tạo để làm dịu sự khó chịu.
5. Cách phòng ngừa bệnh viêm kết mạc
Viêm kết mạc mắt rất dễ lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, mỗi người có thể tự phòng tránh cho bản thân bằng cách:
- Hạn chế tối đa thói quen dụi mắt, đưa tay chạm vào mắt. Đảm bảo tay luôn sạch sẽ trước khi vệ sinh mắt.
- Nên sử dụng kính bảo vệ mắt để tránh bụi bẩn, tác nhân có hại xâm nhập vào mắt khi ra ngoài.
- Tăng cường các dưỡng chất tốt cho mắt: vitamin A, omega-3, vitamin E, lutein,…
- Không được dùng chung đồ cá nhân: kính, khăn mặt,… đặc biệt là với người đang mắc bệnh.
- Không sử dụng mỹ phẩm cũ, đã hết hạn sử dụng.
- Thường xuyên thay vỏ gối, vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ.
- Khi ra ngoài nên đeo kính mắt bảo vệ để tránh bụi bẩn và các tác nhân gây hại xâm nhập.
6. Địa chỉ khám và điều trị bệnh viêm kết mạc
Viêm kết mạc mắt nếu được điều trị sớm thường không gây hậu quả nghiêm trọng. Khi thấy xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần nhanh chóng thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt uy tín. Bệnh viện Mắt Thiên Thanh tự tin là địa chỉ thăm khám và điều trị tổng quát các bệnh về mắt, bao gồm cả viêm kết mạc. Đội ngũ bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành nhãn khoa sẽ trực tiếp kiểm tra và điều trị cho người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện trang bị hệ thống máy móc tân tiến, hỗ trợ kết quả chẩn đoán được chính xác và nhanh chóng nhất.
Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch thăm khám vui lòng liên hệ qua hotline 038 8967 699 – 0243 2265 999 để bệnh viện hỗ trợ nhanh chóng nhất!
Xem thêm: Đục giác mạc là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh
Như vậy, bệnh viện Mắt Thiên Thanh vừa cùng bạn tìm hiểu viêm kết mạc là gì. Hy vọng, thông qua bài bài, bạn đã có thể hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh bệnh. Đừng quên chia sẻ những thông tin hữu ích này với người thân, bạn bè nhé!