Bệnh viễn thị bẩm sinh là gì? Có thể chữa được không?

Bệnh viễn thị bẩm sinh liên quan đến yếu tố di truyền và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Viễn thị là một trong ba loại tật khúc xạ thường gặp nhưng không quá nhiều như cận thị. Khi nguyên nhân gây ra viễn thị bắt nguồn từ yếu tố di truyền thì đó thường là bệnh viễn thị bẩm sinh. Tình trạng viễn thị bẩm sinh thường có thể tự cải thiện theo thời gian trẻ lớn dần lên. Nếu không thì cần có những biện pháp can thiệp kịp thời để tránh rủi ro gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực.

1. Giới thiệu bệnh viễn thị bẩm sinh

Viễn thị bẩm sinh là khi sinh ra, trẻ đã mắc viễn thị do yếu tố di truyền. Ở trẻ mắc viễn thị bẩm sinh, trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường khiến hình ảnh đi vào mắt hội tụ ở phía sau võng mạc. Vì vậy, cũng giống như viễn thị thông thường, người mắc viễn thị bẩm sinh thường không nhìn rõ các vật ở gần mà chỉ nhìn được các vật ở xa.

Thông thường, các trẻ mới sinh sẽ luôn bị viễn thị bởi trục nhãn cầu còn ngắn, chưa phát triển hoàn thiện hẳn. Khi dần lớn lên, cùng với sự phát triển của cơ thể, tình trạng viễn thị ở trẻ sẽ được cải thiện và khỏi hẳn. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân nào đó, mắt không phát triển hoặc phát triển ít khiến trẻ mắc bệnh viễn thị bẩm sinh.

1.1. Nguyên nhân gây bệnh viễn thị bẩm sinh

Theo các chuyên gia nhãn khoa, nguyên nhân chính gây ra viễn thị bẩm sinh ở mắt là do yếu tố di truyền. Phần trục nhãn cầu có chiều dài quá ngắn hoặc giác mạc không đủ độ cong so với bình thường khiến hình ảnh qua mắt không thể hội tụ đúng trên võng mạc mắt. Trong quá trình phát triển cơ thể, chiều dài trục không được cải thiện hoặc cải thiện quá ít khiến trẻ mắc viễn thị bẩm sinh.

Bên cạnh đó, các yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ mắc viễn thị bẩm sinh ở trẻ:

  • Di truyền

Khi bố mẹ mắc viễn thị thì trẻ sinh ra cũng có nguy cơ cao mắc viễn thị bẩm sinh. Trong một vài nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm thấy những gen di truyền liên quan đến tật khúc xạ nói chung. Đồng thời, các số liệu cũng cho thấy rằng, tỷ lệ trẻ mắc các tật khúc xạ cũng liên quan đến tình trạng mắc tật khúc xạ ở cha mẹ. Tình trạng tật khúc xạ ở bố mẹ càng cao thì nguy cơ trẻ mắc các loại tật khúc xạ đấy cũng tăng lên rất nhiều.

  • Chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng khiến mắt bị thiếu dưỡng chất để phát triển. Điều này khiến cho chiều dài trục nhãn cầu không được cải thiện dẫn đến viễn thị bẩm sinh.

viễn thị bẩm sinh có liên quan đến yếu tố di truyền

1.2. Viễn thị bẩm sinh có mấy loại?

Trong nhãn khoa, viễn thị bẩm sinh thường được phân thành 2 loại chính như sau:

  • Viễn thị khúc xạ: Loại viễn thị này xảy ra do lực khúc xạ ở giác mạc và thể thủy tinh kém trong khi trục nhãn cầu vẫn bình thường. Viễn thị khúc xạ thường gặp ở các trường hợp trẻ bị viễn thị mức độ nhẹ.
  • Viễn thị trục: Ngược lại với viễn thị khúc xạ, viễn thị trục là tình trạng chiều dài trục nhãn cầu không đủ trong khi lực khúc xạ ở giác mạc và thể thủy tinh vẫn bình thường. Loại viễn thị này thường có mức độ khá nặng.

1.3. Triệu chứng của viễn thị bẩm sinh

Viễn thị bẩm sinh gây khó khăn khi nhìn ở khoảng cách gần, ở khoảng cách xa thường không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trẻ còn quá nhỏ để có thể tự phát hiện các vấn đề về thị lực và báo cho cha mẹ biết. Bởi vậy, để có thể phát hiện viễn thị bẩm sinh từ sớm, cha mẹ phải chủ động quan sát các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của con.

Một số hành động dưới đây có thể là triệu chứng của bệnh viễn thị bẩm sinh:

  • Trong quá trình vui chơi, đọc sách hay xem tivi, trẻ thường nheo mắt, dụi mắt nhiều lần khi nhìn quá lâu.
  • Trẻ thường không chịu ngồi lâu, tập trung học bài vì mỏi mắt, không nhìn rõ hình ảnh ở gần.
  • Mắt trẻ có dấu hiệu lé trong.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ cần nhanh chóng cho trẻ tới gặp các bác sĩ nhãn khoa để kiểm tra và chẩn đoán chính xác nhất tình trạng mắt. Thông qua soi bóng đồng tử, bác sĩ sẽ đánh giá được độ viễn của trẻ và có hướng điều trị phù hợp.

Xem thêm: 

trẻ mắc viễn thị bẩm sinh có thể bị lác

2. Bệnh viễn thị bẩm sinh có nguy hiểm không?

Ở mức độ nhẹ, viễn thị bẩm sinh ảnh hưởng đến tầm nhìn, khiến cuộc sống người mắc gặp nhiều bất tiện. Mặc dù mắt vẫn có thể điều tiết để nhìn rõ vật nhưng sẽ gây ra hiện tượng mỏi mắt, nhức mắt.

Ở mức độ nặng, viễn thị bẩm sinh có thể tiến triển và gây ra những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực. Trong đó, lác mắt và nhược thị là hai biến chứng điển hình nhất. Ngoài ra, trong một số trường hợp khác, viễn thị khi đi kèm một vài bệnh lý về mắt khác có thể dẫn đến các tổn thương vùng đáy mắt.

Theo các chuyên gia nhãn khoa, nếu viễn thị bẩm sinh được phát hiện sau 7 tuổi thì rất khó để khắc phục, mọi biện pháp đều mang lại hiệu quả không cao. Bởi vậy, việc phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi được điều trị sớm, hiệu quả cải thiện thị lực sẽ tốt hơn. Đồng thời, trẻ sẽ có cơ hội lựa chọn được nhiều phương pháp khác nhau để khắc phục viễn thị.

3. Điều trị viễn thị bẩm sinh

Tương tự viễn thị thông thường, để điều trị viễn thị bẩm sinh, trong nhãn khoa có những phương pháp phổ biến sau:

3.1. Đeo kính

Đeo kính là phương pháp phổ biến và thông dụng nhất. Với ưu điểm an toàn, nhanh chóng và có chi phí hợp lý, nhiều người lựa chọn đeo kính gọng để cải thiện tầm nhìn. Khi chọn kính, cần lưu ý chọn loại có gọng nhẹ, mắt kính có độ chiết suất cao cùng khả năng chống lóa, phản quang.

Bên cạnh đó, sử dụng kính gọng cũng có một số nhược điểm. Đầu tiên, kính gọng gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đặc biệt là những người thường xuyên trang điểm. Đeo kính gọng trong thời tiết mưa cũng khá bất tiện bởi kính bị mờ, khó nhìn. Với người thích hoạt động thể thao, kính gọng thường khá vướng víu, có thể bị rơi gãy bất cứ lúc nào.

Khắc phục nhược điểm trên của kính gọng, nhiều người lựa chọn đeo kính áp tròng mềm. Kính áp tròng được thiết kế ôm sát giác mạc nên tầm nhìn không bị hạn chế như kính cận. Kính áp tròng cũng có nhiều lựa chọn, tại sự thời gian, cá tính cho người sử dụng. Việc sử dụng kính cần đảm bảo an toàn bởi kính cũng có thể gây kích ứng với người có mắt nhạy cảm. Thậm chí mắt có thể bị viêm, nhiễm trùng nếu không vệ sinh và quản đúng cách.

Xem thêm: Viễn thị đeo kính gì? Cần lưu ý gì khi chọn kính viễn thị?

đeo kính gọng khắc phục viễn thị bẩm sinh

3.2. Kính tiếp xúc cứng Ortho – K

Cũng là một dạng kính áp tròng nhưng Ortho – K có thiết kế đặc biệt hơn. Kính được sử dụng vào ban đêm, người bệnh cần đeo 6 – 8 giờ trong lúc ngủ. Kính Ortho – K điều chỉnh lại giác mạc một cách tạm thời, giúp người bệnh có thể nhìn rõ sau khi tháo kính.

Kính Ortho – K được FDA kiểm chứng độ an toàn, phù hợp với mọi độ tuổi. Để duy trì tầm nhìn luôn sắc nét, người bệnh cần đeo kính một cách đều đặn. Bởi nếu ngừng đeo kính, giác mạc và thị lực sẽ khôi phục dần lại về tình trạng viễn thị ban đầu.

3.3. Phẫu thuật

Phẫu thuật được xem là phương pháp có thể khắc phục viễn thị một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để thực hiện phẫu thuật người bệnh cần đủ 18 tuổi trở lên và đáp ứng một số điều kiện cơ bản khác.

Phẫu thuật điều trị viễn thị có nhiều phương pháp khác nhau: Femtosecond lasik, ReLEx SMILE, Phakic ICL,… Mỗi phương pháp đều có ưu điểm riêng, phù hợp với từng đối tượng. Khi quyết định phẫu thuật, người bệnh cần khám mắt chuyên sâu tư vấn phẫu thuật điều trị tật khúc xạ để được kiểm tra, tư vấn lựa chọn phương pháp an toàn, phù hợp nhất.

Xem thêm: Tìm hiểu về các cách khắc phục viễn thị phổ biến hiện nay

phẫu thuật mổ mắt viễn thị bẩm sinh

4. Chăm sóc mắt viễn thị bẩm sinh như thế nào?

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh, việc chăm sóc mắt viễn thị bẩm sinh cần chú ý một số điều như sau:

  • Đeo kính đúng với tình trạng viễn của mắt.
  • Người bệnh cần sử dụng kính thường xuyên để mắt không phải điều tiết quá nhiều gây khô và mỏi mắt.
  • Tái khám mắt thường xuyên hoặc theo chỉ định của bác sĩ theo dõi tình trạng mắt.
  • Khi viễn thị vị biến chứng, cần có các phương pháp điều trị tích cực phù hợp để cải thiện thị lực.
  • Thường xuyên bổ sung các thực phẩm chứa nhóm chất tốt cho mắt.
  • Dành thời gian massage mắt, tập các bài thể dục giúp điều tiết mắt tốt hơn.

Tóm lại, nguyên nhân chính gây bệnh viễn thị bẩm sinh thường là do yếu tố di truyền. Nếu được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng hồi phục thị lực sẽ có hiệu quả cao hơn. Các trường hợp tiến triển nặng thường gây ra những biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến mù lòa.

4.9/5 - (9 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *