Viêm mống mắt: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm mống mắt là tình trạng không quá phổ biến, có thể tái phát nhiều lần và ảnh hưởng rất nhiều đến tầm nhìn của người bệnh.
Viêm mống mắt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thị giác mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Trong bài viết ngày hôm nay, Bệnh viện Mắt Thiên Thanh sẽ mang đến cho bạn thông tin toàn diện nhất về bệnh lý này.
Nội dung
1. Viêm mống mắt là gì?
Mống mắt là một cấu trúc hình vòng, có màu sắc tùy theo chủng tộc, nằm sau giác mạc và trước thủy tinh thể, giữa là đồng tử. Nó được ví như “cửa sổ” của mắt, có chức năng điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào mắt, giúp bảo vệ võng mạc khỏi bị tổn thương bởi ánh sáng chói và các tác nhân gây hại khác.
Bên cạnh đó, mống mắt cũng là một bộ phận của màng bồ đào. Vậy nên, viêm mống mắt còn được gọi là viêm màng bồ đào trước. Đôi khi, tình trạng này thường đi kèm với viêm thể mi.
Viêm màng bồ đào trước bao gồm 2 dạng chính sau:
- Cấp tính: Thường khá phổ biến, các triệu chứng phát triển nhanh và kéo dài trong thời gian ngắn. Bệnh thường xuất phát từ nguyên nhân nhiễm trùng hoặc chấn thương và có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện điều trị sớm.
- Mãn tính: Các triệu chứng thường diễn ra âm ỉ và kéo dài. Quá trình điều trị phức tạp và có khả năng tái phát nên cần theo dõi lâu dài. Bệnh thường do bệnh tự miễn gây nên.
2. Nguyên nhân gây viêm màng bồ đào trước
Hầu như các trường hợp mắc bệnh đều không xác định được rõ nguyên nhân.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh, một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này bao gồm:
Nhiễm trùng: Viêm mống mắt có thể do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra.
Một số tác nhân gây nhiễm trùng phổ biến bao gồm:
- Vi khuẩn: Chlamydia, Mycobacterium tuberculosis (gây bệnh lao), Treponema pallidum (gây bệnh giang mai),…
- Virus: Herpes simplex, Herpes zoster, Cytomegalovirus,…
- Nấm: Candida, Aspergillus,…
- Ký sinh trùng: Toxoplasma gondii,…
Bệnh tự miễn dịch: Bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến mắt, gây viêm màng bồ đào trước, phổ biến nhất là:
- Viêm khớp dạng thấp: Hệ miễn dịch tấn công các khớp và có thể ảnh hưởng đến mắt.
- Lupus ban đỏ hệ thống: Một bệnh tự miễn đa cơ quan có thể gây viêm mống mắt.
- Bệnh Crohn: Đây là một bệnh ký liên quan đến đường tiêu hóa và có thể ảnh hưởng đến mắt.
- Chấn thương mắt: Các chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp vào mắt đều có nguy cơ gây ra tình trạng viêm mống mắt.
3. Những dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện một cách đột ngột hoặc âm ỉ, bao gồm:
- Đau nhức mắt: Đây là triệu chứng phổ biến nhất. Mắt có cảm giác đau nhói từng cơn hoặc đau âm ỉ. Đôi khi cơn đau có thể lan ra những vùng xung quanh mắt.
- Đỏ mắt: Mắt đỏ nhiều hơn ở vùng rìa giác mạc (gọi là cương tụ rìa).
- Nhạy cảm với ánh sáng: Mắt trở nên rất nhạy cảm với ánh sáng (chứng sợ ánh sáng), gây khó chịu và đôi khi đau đớn.
- Mắt nhìn mờ: Thị lực giảm sút, mắt nhìn mờ hoặc không rõ ràng.
- Chảy nước mắt: Mắt có thể tiết ra nhiều nước mắt hơn bình thường.
- Mống mắt co lại và dính vào mặt trước thủy tinh thể gây ra cơn đau.
4. Viêm mống mắt có nguy hiểm không?
Bệnh viêm mống mắt có thể gây ra một số biến chứng, ảnh hưởng đến thị lực nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một số biến chứng phổ biến do bệnh gây ra như:
- Dính bít đồng tử: Viêm mống mắt có thể khiến mống mắt dính vào thể thủy tinh. Điều này khiến đồng tử mắt có hình dạng bất thường dẫn đến phản ứng chậm khi tiếp xúc với ánh sáng.
- Đục thủy tinh thể: Tình trạng viêm có thể thúc đẩy nhanh quá trình đục thủy tinh thể ở mắt.
- Tăng nhãn áp: Tình trạng viêm nhiễm ở mống mắt có thể dẫn đến tăng nhãn áp. Bệnh lý này gây tổn thương thần kinh thị giác không thể phục hồi, dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
5. Cách điều trị viêm mống mắt
Tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh, tình trạng viêm mống mắt được các bác sĩ điều trị phụ thuộc dựa trên nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Mục tiêu cuối cùng của điều trị là giảm tình trạng viêm, chống dính đồng tử, ngăn ngừa các biến chứng xảy ra và bảo vệ thị lực.
Một số phương pháp điều trị thường được bác sĩ áp dụng phổ biến:
- Sử dụng thuốc giảm viêm để làm giảm các triệu chứng đau, đỏ, nhạy cảm với ánh sáng.
- Sử dụng thuốc giãn đồng tử để ngăn ngừa các biến chứng về đồng tử, ảnh hưởng tới thị lực của mắt.
Trong trường hợp tình trạng viêm không cải thiện, các bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc khác cho người bệnh. Tùy theo mỗi người cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh mà thời gian phục hồi sẽ khác nhau. Vậy nên, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ và tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh.
6. Cách phòng ngừa bệnh
Mặc dùng không phải tất cả các trường hợp mắc bệnh đều có thể phòng ngừa được. Nhưng một số lưu ý sau sẽ phần nào hạn chế nguy cơ mắc bệnh:
- Rửa tay sạch với xà phòng cũng như vệ sinh đồ đạc cá nhân thường xuyên.
- Hạn chế chạm hoặc dụi tay vào mắt.
- Kiểm soát tốt các bệnh nền như: bệnh tự miễn, viêm khớp dạng thấp,… để tránh biến chứng.
- Sử dụng kính bảo hộ, hạn chế các hoạt động có nguy cơ cao gây chấn thương cho mắt.
- Tái khám định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về mắt, bao gồm cả viêm mống mắt.
Như vậy, viêm mống mắt còn được gọi là viêm màng bồ đào trước. Bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm nhìn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh viện Mắt Thiên Thanh hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ hữu ích. Đừng quên để lại ngay bình luận nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào cần bác sĩ giải đáp nhé!
×