Viêm loét giác mạc: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Viêm loét giác mạc là bệnh lý nguy hiểm, cần được điều trị sớm để tránh những biến chứng nghiêm trọng về thị lực.

Giác mạc là bộ phận đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị tổn thương. Theo số liệu thống kê, viêm loét giác mạc là nguyên nhân gây mù lòa thứ 3 ở Việt Nam, chỉ sau đục thủy tinh thể và Glôcôm. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân gây ra cũng như có những triệu chứng cụ thể. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về chi tiết về bệnh lý này.

1. Viêm loét giác mạc là gì?

Giác mạc thường có tên dân gian là lòng đen tuy nhiên đây là một bộ phận trong suốt, mỏng và nằm ở phía trước của nhãn cầu. Giác mạc có cấu tạo bao gồm 5 lớp: lớp biểu mô, lớp màng Bowman’s, lớp nhu mô, lớp Descemet’s và lớp nội mô. Giác mạc không chứa các mạch máu nên việc nhận chất dinh dưỡng và oxy thông qua nước mắt và dịch bên trong mắt. Giác mạc có vai trò chính là giúp ánh sáng hội tụ vào trong mắt, tạo hình ảnh rõ nét trên võng mạc.
Viêm loét giác mạc là tình trạng viêm nhiễm hoặc tổn thương xảy ra trên bề mặt giác mạc. Tùy theo mức độ viêm nhiễm và tổn thương, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là mù lòa nến không được điều trị kịp thời.
viêm loét giác mạc

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm loét giác mạc là gì?

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng viêm loét giác mạc. Tuy nhiên, phổ biến và thường gặp nhất là những nguyên nhân sau:
  • Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất. Tình trạng nhiễm trùng có thể do một số loại vi khuẩn (Staphylococcus, Streptococcus, Pseudomonas,…), virus (virus herpes simplex, virus varicella-zoster,…) hoặc nấm (Aspergillus, Fusarium,…) gây ra.
  • Chấn thương
Giác mạc bị tổn thương do vật thể lạ bắn vào mắt, các tai nạn có tác động đến mắt hoặc do việc sử dụng kính áp tròng không đúng cách gây trầy xước giác mạc tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Bệnh lý khác
Tình trạng viêm loét giác mạc đôi khi còn là biến chứng do một số bệnh lý gây ra như: viêm kết mạc cấp tính, bệnh tự miễn, bệnh đái tháo đường,…
Bên cạnh các nguyên nhân chính trên người có hệ miễn dịch bị suy giảm do mắc bệnh lý hay sử dụng corticosteroid kéo dài cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
vi khuẩn gây viêm loét giác mạc

3. Triệu chứng của bệnh

Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến tầm nhìn. Dưới đây là một số triệu chứng điển hình của tình trạng này:
  • Đau mắt: Đây là triệu chứng điển hình của  bệnh, tình trạng này có thể xuất hiện đột ngột và mức độ đau có thể tăng dần theo thời gian. Cảm giác đau có thể rất mạnh, đặc biệt khi giác mạc bị tổn thương sâu.
  • Đỏ mắt, chảy nước mắt: Tình trạng viêm hoặc kích ứng làm các trong mắt giãn nở gây ra đỏ mắt và tiết nước mắt nhiều hơn bình thường.
  • Nhạy cảm với ánh sáng: Người bệnh có thể trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng , cảm thấy khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh.
  • Thị lực giảm, mờ mắt: Viêm loét giác mạc có thể gây mờ mắt hoặc giảm thị lực nghiêm trọng, đặc biệt khi vết loét tiến triển sâu hoặc lớn. Thị lực sẽ giảm rõ rệt nếu vết loét nằm ở vùng trung tâm giác mạc.
  • Cảm giác cộm mắt: Người bệnh thấy như có dị vật trong mắt, gây cảm giác cộm, khó chịu.
  • Tiết dịch nhầy, mủ, chảy nước mắt: Mắt có thể tiết ra dịch nhầy hoặc mủ. Đặc biệt nếu nhiễm trùng vi khuẩn. dịch nhầy thường có màu vàng hoặc xanh, gây dính mắt.
  • Sưng mí mắt: Mí mắt có thể xưng khiến việc mở mắt gặp khó khăn.
Khi kiểm tra giác mạc với các thiết bị chuyên dụng, bác sĩ có thể thấy một vết loét trên bề mặt giác mạc, có thể là một vùng trắng đục hoặc có dạng mụn mủ.
bạn nữ trẻ tuổi bị đau nhức mắt

4. Điều trị viêm loét giác mạc như thế nào?

Các bác sĩ tại bệnh viện Mắt Thiên Thanh cho biết, việc xác định tình trạng loét có thể được thực hiện bằng đèn khe hoặc sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa chất nhuộm màu. Phương pháp điều trị sẽ dựa trên nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ tổn thương của giác mạc. Các phương pháp đang được áp dụng phổ biến bệnh lý này bao gồm:
  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt: Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh, kháng nấm hay virus để ngăn chặn sự phát triển của bệnh cũng như giúp vết loét nhanh liền hơn.
  • Sử dụng thuốc uống: Việc kê thuốc uống cũng có thể được bác sĩ chỉ định trong một số trường hợp nhằm hỗ trợ điều trị.
  • Thuốc nhanh liền biểu mô giúp thúc đẩy quá trình liền vết loét.
  • Phẫu thuật: Thường được chỉ định trong các trường hợp nặng, không đáp ứng việc điều trị nội khoa hoặc xuất hiện biến chứng. Một số phương pháp phẫu thuật áp dùng cho tình trạng này như: nạo bỏ mô viêm nhiễm, cấy ghép giác mạc,…

5. Cách phòng ngừa bệnh lý viêm loét giác mạc

Bệnh có thể phòng ngừa bằng việc duy trì các thói quen vệ sinh tốt, chăm sóc và bảo vệ mắt cẩn thận:
  • Vệ sinh mắt sạch sẽ hằng ngày để tránh cho vi khuẩn không có cơ hội xâm nhập.
  • Sử dụng kính bảo hộ để bảo vệ mắt khỏi các tác nhân khói bụi bẩn hay hóa chất,…
  • Với những bạn sử dụng kính áp tròng, cần vệ sinh, bảo quản và sử dụng đúng cách.
  • Với những người có bệnh nền như: bệnh tự miễn, tiểu đường,… cần kiểm soát và tuân thủ quá trình điều trị bệnh để tránh biến chứng.
  • Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài mà không có chỉ định từ bác sĩ.
  • Khám mắt định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe mắt cũng như kịp thời điều trị các bệnh lý về mắt. Đặc biệt, khi thấy mắt có dấu hiệu đau đỏ thì người bệnh cần đi khám ngay.

khám mắt cùng bác sĩ khi có dấu hiệu đau đỏ mắt

Tóm lại, tình trạng viêm loét giác mạc vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến suy giảm thị lực nếu không được điều trị kịp thời. Việc chăm sóc mắt đúng cách, phát hiện sớm các triệu chứng và tuân thủ phác đồ điều trị là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe thị lực. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe của đôi mắt và đừng quên khám mắt định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề về mắt.
Đánh giá bài viết post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *