Viêm kết mạc dị ứng: nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
Viêm kết mạc dị ứng là một bệnh lý về mắt phổ biến, thường do các tác nhân dị ứng gây nên như: lông động vật, phấn hoa,…
Viêm kết mạc dị ứng không chỉ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu mà còn có thể tái phát nhiều lần khi người bệnh tiếp xúc với dị nguyên. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này, hãy cùng Bệnh viện Mắt Thiên Thanh tìm hiểu về bệnh lý này trong bài viết dưới đây.
Nội dung
1. Tình trạng viêm kết mạc dị ứng là gì?
Kết mạc là một màng mỏng, trong suốt bao phủ phần trước của mắt và mặt trong của mí mắt (không bao gồm giác mạc). Nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mắt và giữ cho bề mặt mắt luôn ẩm ướt. Khi mắt tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng có trong môi trường, tình trạng viêm kết mạc dị ứng sẽ xảy ra. Đây là một tình trạng phổ biến và không có khả năng lây nhiễm sang cho người khác. Tuy nhiên, bệnh khiến người mắc cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc tùy theo mức độ dị ứng.
Bệnh thường được chia thành 2 loại chính:
- Viêm kết mạc dị ứng cấp tính: Các dấu hiệu của bệnh thường xuất hiện một cách đột ngột, nhanh chóng và mức độ thường khá nặng.
- Viêm kết mạc dị ứng mạn tính: các triệu chứng của bệnh thường kéo dài, mức độ dị ứng không quá nặng nhưng gây cảm giác khó chịu cho người mắc.
2. Những nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc dị ứng
Bệnh thường xảy ra khi mắt tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng có trong môi trường. Một số tác nhân phổ biến thường gặp như:
- Phấn hoa: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất, đặc biệt vào mùa xuân, hè và thu khi cây cối ra hoa. Phấn hoa khi tiếp xúc với mắt có thể kích thích hệ miễn dịch phản ứng quá mức gây ra tình trạng viêm vùng kết mạc mắt.
- Bụi nhà: Mạt bụi nhà, lông thú cưng, các mảnh vụn nhỏ trong nhà đều có thể dễ dàng bay vào mắt và gây tình trạng dị ứng.
- Mỹ phẩm: Một số thành phần trong mỹ phẩm như hương liệu, bảo quản có thể gây kích ứng mắt.
- Khói thuốc lá: Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại, khói không chỉ có thể gây kích ứng mắt mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt.
- Ô nhiễm môi trường: Các chất ô nhiễm trong không khí như khí thải, khói bụi cũng là nguyên nhân gây viêm kết mạc dị ứng.
Bên cạnh đó, khi trong gia đình có tiền sử người bị dị ứng, hen suyễn thì cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm kết mạc dị ứng.
3. Triệu chứng phổ biến của bệnh
Tình trạng dị ứng ở mắt này thường có một số dấu hiệu phổ biến như sau:
- Ngứa mắt: Đây là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh. Phản ứng dị ứng xảy ra, kích thích các tế bào miễn dịch trong kết mạc, giải phóng histamine và các chất gây viêm khác, gây ra cảm giác ngứa. Cảm giác ngứa này có thể từ nhẹ đến rất dữ dội, khiến người bệnh muốn dụi mắt liên tục.
- Đỏ mắt: Mạch máu nhỏ ở kết mạc giãn nở, gây đỏ mắt.
- Chảy nước mắt: Tình trạng dị ứng kích thích tuyến lệ sản xuất nhiều nước mắt hơn để rửa sạch, rửa trôi các tác nhân gây dị ứng. Nước mắt chảy nhiều và có thể kèm theo chất nhầy.
- Sưng mí mắt: Mí mắt sưng đỏ, ngứa ngáy do phản ứng viêm và dị ứng khiến dịch tích tụ và phù nề trong mô mắt.
- Cảm giác có vật lạ trong mắt: Người bệnh thường cảm thấy như có cát hoặc lông mi trong mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng: Phản ứng dị ứng có thể làm tăng sự nhạy cảm của mắt với ánh sáng.
Tùy theo tình trạng từng người cũng như nguyên nhân gây bệnh mà các triệu chứng này có thể xuất hiện với các mức độ nặng nhẹ khác nhau.
4. Phương pháp điều trị viêm kết mạc dị ứng
Để chẩn đoán bệnh lý này, các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, kiểm tra tiền sử dị ứng của người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm dị ứng cần thiết để loại bỏ các bệnh lý khác.
Thông thường, tình trạng dị ứng sẽ thuyên giảm dần khi người bệnh xác định được và tránh xa các tác nhân gây dị ứng. Tùy theo từng tình trạng dị ứng ở mỗi người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số phương pháp điều trị phổ biến như sau:
- Sử dụng thuốc kháng histamine: đây là loại thuốc phổ biến thường được sử dụng để điều trị tình trạng dị ứng ở kết mạc mắt. Thuốc có tác dụng làm dịu các triệu chứng ngứa, sưng đỏ ở mắt.
- Sử dụng thuốc chứa corticosteroid (theo chỉ định của bác sĩ)
- Trong một số trường hợp nặng, người bệnh có thể được kê đơn thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống corticosteroid để giảm viêm. Tuy nhiên, thuốc corticosteroid cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ vì có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng lâu dài. Đặc biệt, nếu xuất hiện thêm tình trạng bội nhiễm thì bệnh nhân có thể cần sử dụng thêm kháng sinh.
Ngoài ra, người bệnh có thể chườm lạnh cũng như vệ sinh mắt để làm dịu cảm giác dị ứng, loại bỏ các tác nhân dị ứng ra khỏi mắt.
5. Viêm kết mạc dị ứng có nguy hiểm không?
Theo bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh, tình trạng này thường không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể kéo dài gây ra tình trạng nhiễm trùng hay tổn thương mắt.
Tóm lại, tình trạng viêm kết mạc dị ứng là một bệnh thường gặp và thường không quá nguy hiểm. Vệ sinh tốt, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng và sử dụng thuốc theo chỉ định là những biện pháp hiệu quả để giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát. Nếu gặp bất cứ triệu chứng nào bất thường hoặc bệnh không cải thiện sau vài ngày thì bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn và kịp thời điều trị.