Viêm kết mạc có nguy hiểm không? Giải đáp từ chuyên gia

Viêm kết mạc mắt còn được gọi là bệnh đau mắt đỏ. Tình trạng viêm kết mạc có nguy hiểm không được khá nhiều người bệnh băn khoăn.

Viêm kết mạc là một bệnh lý về mắt khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhiều người lo lắng về mức độ nguy hiểm của bệnh và các biến chứng có thể xảy ra. Bài viết dưới đây của Bệnh viện Mắt Thiên Thanh sẽ cùng bạn giải đáp điều băn khoăn này.

1. Tìm hiểu về bệnh viêm kết mạc mắt

1.1 Viêm kết mạc mắt là bệnh gì?

Viêm kết mạc mắt là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng lớp màng trong suốt (kết mạc) che phủ phần trắng của mắt và mặt trong của mí mắt.

Bệnh thường xuất hiện quanh năm nhưng hay bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa, cuối hè, đầu thu.

Viêm kết mạc mắt có nguy hiểm không

1.2 Nguyên nhân và phân loại

Các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh cho biết, dựa theo nguyên nhân gây bệnh, viêm kết mạc mắt được chia làm 3 loại chính:

  • Viêm kết mạc do virus: Đây là dạng viêm kết mạc mắt thường gặp nhất. Nguyên nhân chính thường do virus adenovirus gây ra. Bệnh dễ dàng lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ra từ mắt người bệnh.
  • Viêm kết mạc do vi khuẩn: Thường do các loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, phế cầu,… gây ra. Bệnh có thể lây qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch mắt chứa vi khuẩn của người mắc hoặc các vật dụng hằng ngày có chứa vi khuẩn. Viêm kết mạc do vi khuẩn gây ra có thể gây ra một số tổn thương nghiêm trọng nếu không được điều trị.
  • Viêm kết mạc do dị ứng: Do tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, lông động vật,… Bệnh có thể tái phát nhiều lần khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Tình trạng này không lây và thường thuyên giảm dần khi người bệnh ngừng tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.

1.3 Triệu chứng

Hầu hết người bệnh mắc viêm kết mạc đều có một số biểu hiện sau:

  • Đỏ mắt: Đây là triệu chứng phổ biến nhất, phần lòng trắng mắt thường có màu hồng hoặc đỏ do các mạch máu nhỏ bị sưng lên.
  • Ngứa mắt: Người bệnh có thể cảm thấy ngứa dữ dội và muốn dụi mắt.
  • Chảy nước mắt, cảm thấy cộm xốn như có sạn trong mắt.
  • Mí mắt sưng lên, có thể xuất hiện giả mạc ở mắt.
  • Gỉ mắt, ghèn mắt xuất hiện, có thể dính chặt mi, đặc biệt là khi người bệnh ngủ dậy.
  • Mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng, đặc biệt là các nguồn ánh sáng mạnh.

viêm kết mạc gây gỉ mắt

2. Viêm kết mạc có nguy hiểm không?

Để trả lời viêm kết mạc có nguy hiểm hay không thì cần dựa trên nguyên nhân gây bệnh.

  • Viêm kết mạc do virus: Bệnh thường nhẹ và có thể tự khỏi sau 7-10 ngày mà không điều trị. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng của bệnh.
  • Viêm kết mạc do vi khuẩn: Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể gây ra một số biến chứng: suy giảm thị lực, viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc,.. thậm chí là mù lòa. Khi bệnh đã gây ra các biến chứng vào giác
  • Viêm kết mạc do dị ứng: Thường không gây nguy hiểm nhưng bệnh có thể tái phát nhiều lần.

Khi bệnh đã gây ra các biến chứng vào giác mạc thì bệnh sẽ thường kéo dài, rất lâu khỏi và thường ảnh hưởng đến thị lực.

3. Điều trị viêm kết mạc mắt thế nào?

Việc điều trị viêm kết mạc mắt cũng cần dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Đối với các tình trạng bệnh có nguyên nhân do virus thì thường không cần điều trị mà có thể tự khỏi (thông thường là sau 7-10 ngày). Tuy nhiên, với một vài trường hợp cần đến 2-3 tuần, các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thêm một số loại thuốc kháng virus.

Nếu nguyên nhân xuất phát từ vi khuẩn, người bệnh thường được điều trị bằng việc sử dụng kháng sinh nhỏ mắt hoặc thuốc tra mắt. Với các bệnh nhân bị viêm kết mạc do dị ứng thì điều quan trọng là cần xác định được tác nhân gây dị ứng và tránh tiếp xúc. Nước mắt nhân tạo hoặc thuốc chống dị ứng có thể được bác sĩ chỉ định để làm giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh.

điều trị viêm kết mạc mắt

4. Phòng ngừa bệnh viêm kết mạc

Để có thể ngăn ngừa, phòng tránh tình trạng bệnh lây lan, bùng phát, mỗi người cần chú ý một số điều sau:

  • Vệ sinh tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Không đưa tay lên chạm, dụi mắt.
  • Sử dụng riêng các đồ vệ sinh cá nhân: khăn mặt, khăn tắm,…
  • Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở luôn sạch sẽ, tránh bụi bẩn.
  • Sử dụng kính bảo hộ khi tiếp xúc với bụi bẩn, hóa chất.
  • Mang khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến những nơi công cộng.
  • Đi khám bác sĩ khi có các triệu chứng của bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Tóm lại, viêm kết mạc có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Hầu hết các trường hợp mắc viêm kết mạc đều nhẹ và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Do đó, mỗi người cần tới gặp bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu của viêm kết mạc hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đánh giá bài viết post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *