Thoái hóa hoàng điểm: Những điều cần biết.
Thoái hóa hoàng điểm (hay còn gọi là thoái hóa điểm vàng) là một bệnh ảnh hưởng đến hoàng điểm, bộ phận của mắt giúp chúng ta nhìn chi tiết hình ảnh.
Tên gọi này thật sự đề cập đến một nhóm các bệnh thoái hóa của võng mạc – đặc biệt là điểm vàng, chịu trách nhiệm cho thị lực trung tâm và chi tiết. Hãy cùng Bệnh viện Mắt Thiên Thanh tham khảo bài viết bên dưới để có thêm thông tin về bệnh lý thoái hóa hoàng điểm này.
Nội dung
1. Thoái hóa hoàng điểm là gì?
Điểm vàng, hay còn gọi là hoàng điểm nằm ở vùng trung tâm võng mạc. Đây là nơi tập trung hàng triệu tế bào cảm quan, đóng vai trò quan trọng trong thu nhận hình ảnh, giúp nhận biết được màu sắc, độ sắc nét của hình ảnh.
Thoái hóa điểm vàng, hay còn gọi là thoái hóa hoàng điểm là sự thoái hóa của các tế bào tại vùng điểm vàng, là nguyên nhân hàng đầu làm giảm thị giác, làm cho mắt của chúng ta không thể hoạt động bình thường cũng như nhìn thấy rõ các vật xung quanh, gây mù lòa và mất thị lực nghiêm trọng.
Thoái hóa hoàng điểm bao gồm thoái hóa hoàng điểm thể khô và thoái hóa hoàng điểm thể ướt, cụ thể:
– Thoái hóa hoàng điểm thể khô: chiếm khoảng 85 – 90% trường hợp bệnh, xảy ra khi các tế bào tại điểm vàng bị lão hóa, teo lại, điểm vàng trở nên mỏng dần. Bệnh xuất hiện và diễn biến âm thầm trước khi có tình trạng suy giảm thị lực xảy ra do các tế bào võng mạc chết dần đi.
-Thoái hóa hoàng điểm thể ướt: chỉ chiếm khoảng 10 – 15% trường hợp bệnh, ít gặp hơn nhưng nguy hiểm hơn thoái hóa hoàng điểm thể khô, xảy ra khi các mạch máu mới tăng sinh bất thường dưới võng mạc dẫn đến rò rỉ máu và các chất dịch gây tổn thương vĩnh viễn các tế bào tại hoàng điểm.
2. Triệu chứng
– Khó đọc sách báo vì hiện tượng đọc chữ bị nhòe.
– Khó nhìn rõ khuôn mặt của người đối diện.
– Cảm nhận được sự thay đổi màu sắc, có thể bị giảm độ đậm hay độ sáng.
– Giảm thị lực trung tâm ở một bên mắt hay cũng có thể là cả hai mắt.
– Người bệnh cần nhìn gần sự vật hơn hoặc cần nhiều ánh sáng hơn khi đọc.
– Nhìn sự vật bị biến dạng, đường thẳng thành cong.
– Gặp khó khăn khi phải sinh hoạt trong điều kiện ánh sáng yếu.
3. Nguyên nhân
– Người lớn tuổi, thoái hóa do quá trình lão hóa của tuổi già.
– Dưới sự tác động của môi trường bị ô nhiễm, nhiều khói bụi.
– Chế độ ăn thiếu chất hàng ngày làm suy giảm chức năng của điểm vàng, từ đó, thị lực của mắt cũng bị ảnh hưởng.
– Ngoài ra, sự loạn dưỡng điểm vàng cũng là nguyên nhân gây thoái hóa hoàng điểm.
4. Những yếu tố làm tăng nguy cơ
– Người trên 60 tuổi: khi chúng ta lão hóa, khả năng tái tạo tế bào giảm, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
– Tiền sử gia đình.
– Cận thị cao.
– Bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch, tăng huyết áp.
– Hút thuốc lá làm tổn thương mạch máu và cấu trúc của mắt.
5. Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh, các bác sĩ khuyến cáo mỗi người nên chú ý một số điều sau:
– Thực hiện chế độ ăn giàu dinh dưỡng, ăn nhiều cá và các thực phẩm giàu omega, ăn giàu trái cây tươi, các rau lá xanh đậm.
– Bổ sung các loại vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
– Khi đi ngoài nắng cần đeo kính râm để bảo vệ mắt.
– Không hút thuốc lá.
– Duy trì cân nặng và huyết áp khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên.
– Theo dõi thị lực để kiểm tra sự thay đổi và khám mắt định kỳ để phát hiện vấn đề sớm.
6. Lợi ích của việc phòng bệnh sớm
– Ít tổn thương điểm vàng do các mạch máu bất thường gây ra
– Ít phù nề hơn (sưng do chất lỏng dư thừa) ở điểm vàng, nếu không sẽ làm biến dạng hình dạng và vị trí của nó.
– Ngăn ngừa mô sẹo và mảng bất thường có thể hình thành dưới võng mạc và làm tổn thương mô điểm vàng.
– Giảm khả năng mắt thị lực trung tâm.
Hiện tại có những phương pháp điều trị bệnh lý này hiệu quả, giảm thiểu tiến triển bệnh và mất thị lực. Tùy theo tình trạng mắt của bệnh nhân, Bác sĩ chuyên gia võng mạc sẽ áp dụng phác đồ điều trị cho phù hợp.
Tóm lại, thoái hóa hoàng điểm là bệnh lý có thể dẫn đến mất thị lực nghiêm trọng. Người bệnh nên thường xuyên thăm khám mắt định kỳ để theo dõi sức khỏe đôi mắt và phát hiện các bệnh lý về mắt kịp thời. Đừng quên theo dõi website Bệnh viện Mắt Thiên Thanh thường xuyên để cập nhật thêm nhiều kiến thức nhãn khoa hữu ích khác nhé!
×