Tật khúc xạ là gì? Cách điều trị và phòng chống ra sao?

Tật khúc xạ ở mắt là một trong những vấn đề thường gặp và có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Tật khúc xạ nhìn chung sẽ khiến thị lực ở mắt suy giảm. Tuy nhiên khi tiến triển nặng, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt. Cùng bệnh viện Mắt Thiên Thanh tìm hiểu chi tiết về bệnh lý này cũng như cách điều trị và phòng chống như thế nào?

1. Tật khúc xạ là gì?

Tật khúc xạ là thuật ngữ nhãn khoa dùng để chỉ các rối loạn khúc xạ. Ở người bình thường, ánh sáng đi vào mắt sẽ được hội tụ chính xác trên võng mạc mắt. Tuy nhiên, ở những người mắc tật khúc xạ, ánh sáng qua mắt sẽ hội tụ ở phía trước hoặc phía sau võng mạc mắt. Điều này khiến các thông tin hình ảnh truyền về não bộ bị mờ nhòe, thiếu độ sắc nét.

Tật khúc xạ được chia thành 3 dạng phổ biến như sau:

Cận thị
Điểm hội tụ của các tia sáng ở mắt cận thị sẽ nằm ở trước võng mạc. Do vậy, người mắc cận thị thường nhìn rõ các vật ở khoảng cách gần, hình ảnh ở xa sẽ bị mờ nhòe.

Viễn thị
Điểm hội tụ của các tia sáng trên mắt viễn thị sẽ nằm ở phía sau võng mạc. Điều này khiến người mắc viễn thị không thể nhìn rõ các vật ở gần mà chỉ rõ các vật ở cự ly xa.

Loạn thị
Ở mắt loạn thị, các tia sáng sẽ hội tụ tại phía trước và phía sau võng mạc khiến hình ảnh mờ nhòe giống như hoa mắt. Loạn thị thường đi kèm với viễn thị hoặc cận thị.

tật khúc xạ

2. Nguyên nhân nào gây nên tật khúc xạ

Tật khúc xạ xảy ra do một số nguyên nhân phổ biến sau:

  • Bẩm sinh, di truyền: Khi cha mẹ mắc tật khúc xạ nặng thị nguy cơ di truyền cho con sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, một số trẻ sinh ra đã bị mắc tật khúc xạ do có sự bất thường trong cấu trúc mắt.
  • Lối sống sinh hoạt chưa lành mạnh: Mắt làm việc quá mức, không có thời gian nghỉ ngơi đúng và đủ, sử dụng thiết bị điện tử liên tục,…
  • Môi trường học tập và làm việc không đủ ánh sáng, ngồi học không đúng tư thế, nhìn gần trong khoảng thời gian dài,…

3. Các dấu hiệu thường gặp của tật khúc xạ

Mọi tật khúc xạ đều khiến cho tầm nhìn bị suy giảm. Tật khúc xạ ở mắt thường được phát hiện dựa trên một số dấu hiệu như:

  • Không nhìn rõ các vật ở khoảng cách xa (cận thị) hoặc khoảng cách gần (viễn thị) hoặc cả hai (loạn thị).
  • Thường hay nheo mắt, dụi mắt hoặc chớp mắt nhiều lần.
  • Thường xuyên nhức đầu, mỏi mắt, nhức mắt.

Khi gặp phải bất kỳ một trong các dấu hiệu nghi ngờ trên, người bệnh cần thăm khám với bác sĩ nhãn khoa để được chẩn đoán chính xác nhất.

nhìn mờ là biểu hiện thường gặp của tật khúc xạ

4. Điều trị tật khúc xạ ở mắt như thế nào?

Để điều trị tật khúc xạ, người bệnh có thể lựa chọn một trong các phương pháp sau: đeo kính gọng, đeo kính áp tròng mềm, áp tròng cứng đeo ban đêm gọi là kính Ortho-K và phẫu thuật.

4.1 Sử dụng kính

Kính gọng luôn là phương pháp được nhiều người lựa chọn bởi sự tiện lợi, nhanh chóng cùng mức chi phí hợp lý. Dù vậy nhưng trong quá trình sử dụng, người bệnh cũng có thể gặp một số bất tiện như: kính hấp hơi nước, vướng víu khi chơi thể thao,…

Ngoài ra, vì yếu tố thẩm mỹ nên thay vì sử dụng kính gọng, một số bệnh nhân lựa chọn đeo kính áp tròng mềm. Kính áp tròng mềm hiện này có nhiều loại khác nhau, người bệnh cần lưu ý lựa chọn địa chỉ bán kính uy tín. Trong quá trình sử dụng, người bệnh cần vệ sinh và bảo quản kính đúng cách, tránh gây nhiễm trùng hoặc trầy xước giác mạc.

So với hai loại kính trên, kính Ortho-K có thiết kế đặc biệt hơn. Kính có tác dụng điều chỉnh tạm thời độ cong giác mạc. Người bệnh cần đeo kính trong khi ngủ vào buổi tối với thời gian đeo kính tối thiểu là từ 6 – 8 tiếng. Sau khi tháo kính vào buổi sáng, người bệnh có thể nhìn rõ vật mà không cần sự hỗ trợ thêm của kính gọng. Việc sử dụng kính Ortho-K cần được duy trì đều đặn bởi khi ngừng đeo, thị lực sẽ dẫn khôi phục về mức độ cận ban đầu. Đặc biệt, kính Ortho-K được các bác sĩ nhãn khoa đánh giá cao trong quá trình kiểm soát tiến triển cận thị ở trẻ em.

phương pháp đeo kính gọng

4.2 Phẫu thuật

Đến nay, phẫu thuật là phương pháp ưu việt nhất hiện nay giúp điều trị hiệu quả tật khúc xạ một cách nhanh chóng và an toàn. Tuy nhiên, để thực hiện phẫu thuật, người bệnh cần đáp ứng một số tiêu chuẩn như: đủ 18 tuổi trở lên, độ cận ổn định, giác mạc không có sự bất thường, không mắc các bệnh cấp và mãn tính,… Do vậy, để kiểm tra xem mắt có phù hợp mổ cận hay không, người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt uy tín thăm khám kỹ càng.

Trong các phương pháp xóa cận phổ biến hiện nay, dưới đây là 3 phương pháp hiện đại, được sử dụng phổ biến:

  • Femtosecond Lasik: Phương pháp xóa cận không sử dụng dao vi phẫu. Quá trình phẫu thuật diễn ra nhanh chóng với thời gian điều trị laser mỗi độ cận là 1,3 giây.
  • ReLEx SMILE: Đây là phương pháp xóa cận được lựa chọn nhiều nhất tại bệnh viện Mắt Thiên Thanh với hơn 1500 ca phẫu thuật thành công. ReLEx SMILE được ưa chuộng nhờ ưu thế không tạo vạt giác mạc, thời gian điều trị laser chỉ 23 giây, tốc độ hồi phục nhanh. Phẫu thuật ReLEx SMILE được coi là bước tiến lớn trong phẫu thuật điều trị tật khúc xạ.
  • Phakic ICL: Phương pháp này phù hợp với những bệnh nhân có độ cận cao, giác mạc mỏng. Thay vì điều chỉnh độ cong giác mạc như các phương pháp khác thì trong phẫu thuật Phakic ICL, các bác sĩ sẽ đặt vào trong mắt một thấu kính nội nhãn có thiết kế riêng phù hợp với mắt của từng bệnh nhân.

phương pháp phẫu thuật

5. Làm thế nào để phòng chống tật khúc xạ?

Tật khúc xạ ở mức độ nhẹ thường khiến người mắc gặp nhiều bất tiện, khó khăn trong quá trình sinh hoạt. Tuy nhiên, khi mức độ nặng, bệnh có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm ở mắt. Để có thể phòng chống tật khúc xạ, mọi người có thể tham khảo những điều sau:

  • Khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.
  • Xây dựng các thói quen tốt cho mắt: làm việc, học tập theo quy tắc 20/20/20, dành thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời để mắt được nhìn xa,…
  • Thay đổi nơi làm việc, học tập có đầy đủ ánh sáng, điều chỉnh tư thế ngồi đúng khoảng cách.
  • Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử liên tục trong thời gian dài.
  • Chế độ dinh dưỡng đa dạng, đủ chất, tăng cường thêm các nhóm thực phẩm tốt cho mắt như: cà rốt, rau cải, khoai lang,…

thăm khám mắt định kỳ cùng bác sĩ nhãn khoa

Tóm lại, tật khúc xạ là một bệnh lý về mắt phổ biến và thường gặp nhiều ở lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên. Bên cạnh những phiền toái do bệnh gây ra, người mắc tật khúc xạ nặng có thể có nguy cơ cao mắc phải các bệnh lý nguy hiểm về mắt khác. Do vậy, ngay khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần được thăm khám kỹ càng tại các cơ sở chuyên khoa mắt đẻ được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất.

Đánh giá bài viết post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *