Nhược thị: Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Nhược thị (còn gọi là bệnh mắt lười) là tình trạng suy giảm chức năng thị giác, không thể cải thiện bằng cách đeo kính hoặc kính áp tròng.

Theo nghiên cứu, tỉ lệ người mắc nhược thị hiện nay chiếm khoảng 2-5% dân số. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ bị lác cơ năng mắc nhược thị lên tới 50-60%. Ở những người mắc tật khúc xạ, tỉ lệ này chiếm khoảng 30%.

1. Nhược thị là gì?

Nhược thị là thuật ngữ sử dụng trong y học dùng để chỉ tình trạng suy giảm thị lực ở mắt do não không nhận biết được tín hiệu hình ảnh từ mắt truyền về não bộ. Bệnh thường chỉ xảy ở một mắt nhưng đôi khi nó cũng có thể ảnh hưởng đến thị lực cả hai mắt. Mắt người bệnh được chẩn đoán là nhược thị nếu thị lực tối đa sau chỉnh kính dưới 7/10. Đồng thời các bác sĩ nhãn khoa không phát hiện được tổn thương thực thể nào sau khi thăm khám.

Nhược thị ở mắt được chia làm 2 loại như sau:

  • Nhược thị thực thể: Là tình trạng thị lực của mắt không thể hồi phục hoàn toàn như bình thường được.
  • Nhược thị cơ năng: Là tình trạng thị lực ở mắt có thể cải thiện sau một khoảng thời gian điều trị và phục hồi chức năng.

nhược thị

2. Dấu hiệu nhận biết nhược thị ở mắt

Người mắc nhược thị thường có một số biểu hiện sau:

  • Mờ mắt, mỏi mắt, hay nheo mắt khi nhìn vật.
  • Nghiêng đầu vẹo cổ trong khi nhìn.
  • Mắt có dấu hiệu lác/lé.

Trong một số trường hợp, trẻ mắc nhược thị thường không có triệu chứng rõ ràng nên việc nhận biết là rất khó. Bởi đôi khi trẻ không nhận thức được việc một mắt có thị lực tốt hơn mắt còn lại. Ngoài ra, mắt trẻ cũng đã thích nghi với tình trạng này trong một khoảng dài nên thường không thắc mắc với cha mẹ khi thị lực suy giảm. Do vậy, cha mẹ cũng khó có thể nhận biết rằng mắt con trẻ đang gặp vấn đề khi không có biểu hiệu rõ ràng.

Để có thể phát hiện bệnh sớm ở trẻ, cha mẹ cần cho con đi khám mắt thường xuyên: trước độ tuổi mầm non, trước khi vào mẫu giáo, trước khi vào lớp 1 và khám mắt định kỳ hàng năm.

3. Nguyên nhân phổ biến gây nhược thị

Trong quá trình trẻ lớn lên, các đường truyền thị giác từ mắt đến não bộ và bên trong não bộ sẽ tiếp tục phát triển. Não bộ bắt đầu học cách phân tích các tín hiệu từ mắt gửi về. Quá trình này thường kéo dài đến khi trẻ khoảng 7-8 tuổi. Sau độ tuổi này, đường truyền thị giác và vùng thị giác ở não bộ đã hoàn thiện đầy đủ và không thể thay đổi được. Bất cứ nguyên nhân nào ảnh hưởng đến thị lực của một hay cả hai mắt hoặc có sự tương tác bất thường giữa hai mắt trong quá trình phát triển đều có thể gây ra nhược thị. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhược thị thường bao gồm:

3.1 Lác/lé mắt

Lác/lé mắt là tình trạng hai mắt khi nhìn vật không cùng nhìn về một hướng. Lúc này, tiêu điểm ở hai mắt khi nhìn vật sẽ khác nhau khiến hình ảnh hai mắt gửi về não bộ sẽ khác nhau. Để tránh hiện tượng nhìn đôi, não bộ sẽ bỏ qua tín hiệu hình ảnh truyền đến từ một trong hai mắt.

Ở trường hợp mắt lác nhưng thị lực mỗi mắt vẫn còn tốt, hai mắt sẽ được sử dụng đan xen qua lại tại các thời điểm khác nhau. Lúc này, đường truyền thị giác vẫn sẽ phát triển ở mỗi mắt. Với các trường hợp lác mắt có một mắt giữ chức năng chính yếu, mắt còn lại không được dùng sẽ không phát triển đường dẫn truyền thị giác một cách bình thường dẫn đến nhược thị.

trẻ bị lác mắt có nguy cơ nhược thị cao

3.2 Sự bất thường về khúc xạ ở mắt

Sự bất thường về khúc xạ ở mắt cũng là một trong những nguyên nhân gây bênh:

  • Tật khúc xạ: Người mắc tật khúc xạ, đặc biệt là viễn và loạn thị cao thường có nguy cơ bị nhược thị.
  • Lệch khúc xạ: Là tình trạng khúc xạ hai mắt không đồng đều, thường chênh lệch trên 2 đi-ốp. Mắt có độ khúc xạ cao hơn thường có nguy cơ bị nhược thị do não bộ thường có khuynh hướng bỏ qua tín hiệu từ mắt bị tật khúc xạ nặng hơn.

3.3 Sự tắc nghẽn của trục thị giác

Một số bệnh lý gây ảnh hưởng đến chức năng của mắt, khiến mắt không thể tiếp nhận tốt hình ảnh để truyền về não bộ bao gồm:

  • Đục thủy tinh thể bẩm sinh: thủy tinh thể bị đục khiến thị lực ở mắt mờ dần.
  • Sụp mí mắt: phần mí mắt bị sụp xuống, che mắt một phần tầm nhìn.
  • Các vấn đề khác về giác mạc: sẹo giác mạc,…

mắt có vấn đề về giác mạc

3.4 Một số yếu tố rủi ro khác

  • Trẻ sinh non, không đủ cân nặng: Trẻ sinh non hoặc không đủ cân nặng (dưới 2,5kg) thường có nguy cơ mắc nhược thị cao hơn. Bởi võng mạc của trẻ chưa đủ thời gian phát triển hoàn thiện nên có khả năng mắc các bệnh về mắt cao hơn.
  • Tiền sử gia đình: Người có các thành viên trong gia đình đã gặp các vấn đề về mắt hoặc thị lực thường có nguy cơ nhược thị cao hơn.
  • Trẻ chậm phát triển: Trẻ gặp các vấn đề liên quan đến phát triển thể chất, tinh thần và tâm trí cũng có nguy cơ mắc bệnhcao hơn so với các bạn đồng trang lứa.

4. Điều trị nhược thị như thế nào?

Nguyên tắc chung để điều trị bệnh là hạn chế sử dụng mắt lành, kích thích cho mắt nhược thị hoạt động nhiều hơn để có thể cải thiện thị lực. Đồng thời có các giải pháp để giải quyết triệt để nguyên nhân gây bệnh.

Tại bệnh viện Mắt Thiên Thanh, các bác sẽ kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân của bệnh và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng của bệnh nhân.

Để điều trị nhược thị, các bác sĩ thường sử dụng. phối hợp các phương pháp sau:

  • Phương pháp chỉnh quang: Với các trường hợp bị nhược thị do tật khúc xạ, bác sĩ có thể chỉ định việc sử dụng kính. Người bệnh sẽ được đeo kính đúng số để cải thiện thị lực ở mức tối đa.
  • Phương pháp bịt mắt: Việc bịt mắt khỏe mạnh buộc não bộ phải sử dụng mắt nhược thị để nhìn vật. Điều này giúp kích thích mắt nhược thị hoạt động nhiều hơn, đồng thời cải thiện thị lực cho mắt nhược thị.
  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt (thường là atropine): Bác sĩ sẽ chỉ định nhỏ thuốc vào mắt khỏe mạnh theo liều lượng nhất định mắt tạm thời mờ đi. Từ đó, mắt nhược thị được kích thích để hoạt động nhiều hơn. Thuốc atropine thường không gây ra các di chứng về sau.
  • Phẫu thuật: Với người bệnh bị sụp mí mắt hoặc đục thủy tinh thể khiến thị lực suy giảm có thể cần phẫu thuật. Ở trường hợp mắt lác hoặc nhìn lệch khi đeo kính, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để mắt nhìn thẳng đồng thời kết hợp với các phương pháp điều trị khác.

phương pháp bịt mắt điều trị nhược thị

5. Phòng tránh bệnh nhược thị ở mắt

Hiện nay, y học vẫn chưa tìm được biện pháp giúp phòng tránh bệnh nhược thị. Việc phát hiện và điều trị bệnh sớm giúp khả năng phục hồi của mắt càng tốt hơn. Do vậy, việc khám mắt định kỳ với bác sĩ nhãn khoa là điều cần thiết để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Đặc biệt là với trẻ nhỏ ở giai đoạn trước 8 tuổi. Đây được coi là thời điểm vàng để điều trị bệnh. Sau độ tuổi này, việc điều trị thường khó khăn hơn, hiệu quả cũng sẽ thấp hơn.

khám mắt định kỳ để phát hiện nhược thị

Hy vọng, qua bài viết này, bạn đã có thêm cho mình những thông tin hữu ích về bệnh nhược thị ở mắt. Tùy theo từng tình trạng mắt mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Đừng quên thăm khám mắt định kỳ để tầm soát nhược thị cũng như các bệnh lý về mắt cho bản thân và gia đình bạn nhé!

Đánh giá bài viết post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *