Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể? Cách điều trị
Có nhiều nguyên nhân gây đục thủy tinh thể ở mắt: tuổi tác, bẩm sinh, các bệnh lý toàn thân,…
Đục thủy tinh thể là một bệnh lý nhãn khoa phổ biến, ảnh hưởng đến thị lực của hàng triệu người trên thế giới. Theo WHO, đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu trên thế giới. Tại Châu Á, có hơn 50% trường hợp bệnh nhân bị mù do đục thủy tinh thể. Hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh là bước đầu tiên để phòng ngừa và điều trị bệnh lý này một cách hiệu quả. Cùng Bệnh viện Mắt Thiên Thanh tìm hiểu nguyên nhân gây đục thủy tinh thể ngay trong bài viết dưới đây.
Nội dung
1. Khái quát về đục thủy tinh thể ở mắt
Thủy tinh thể là một bộ phận quan trọng trong cấu tạo của mắt, đóng vai trò như một thấu kính trong suốt, nằm trước võng mạc và sau mống mắt. Thủy tinh thể có hình dạng giống như một hạt đậu lăng có độ cong phía trước, phía sau khác nhau và không có mạch máu. Thủy tinh thể có vai trò tập trung ánh sáng vào võng mạc, tạo nên hình ảnh rõ nét. Đồng thời thủy tinh thể giúp lọc một phần tia UV có hại từ ánh nắng mặt trời, bảo vệ võng mạc khỏi những tổn thương.
Có nhiều bệnh lý liên quan đến thủy tinh thể và đục thủy tinh thể (hay còn gọi là cườm khô) là một trong những bệnh lý phổ biến nhất. Đây là tình trạng thể thủy tinh mất đi sự trong suốt ban đầu, dần trở lên mờ đục. Lúc này, tầm nhìn ở mắt sẽ mờ nhòe và có thể dẫn đến mù lòa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể
Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể có thể được chia thành hai nhóm chính:
2.1 Nguyên nhân nguyên phát
- Lão hóa: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, thường gặp ở người trên 50 tuổi. Theo thời gian, protein trong thủy tinh thể dần bị lão hóa, kết hợp với các yếu tố khác như ánh nắng mặt trời, dinh dưỡng,… dẫn đến việc thủy tinh thể bị đục.
- Bẩm sinh: Một số trẻ em có thể sinh ra với thủy tinh thể đã bị đục do di truyền hoặc dị tật bẩm sinh ở mắt. Đặc biệt là trẻ có mẹ mang thai trong 3 tháng đầu bị nhiễm virus Rulela.
2.2 Nguyên nhân thứ phát:
- Mắt tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài: Tia UV từ ánh nắng mặt trời có thể gây tổn thương thủy tinh thể và dẫn đến đục thủy tinh thể.
- Hút thuốc lá, sử dụng rượu bia: Hút thuốc và sử dụng rượu bia nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, bao gồm cả đục thủy tinh thể.
- Sử dụng thuốc chứa corticosteroid kéo dài: Sử dụng thuốc chứa corticosteroid trong thời gian dài mà không tuân theo chỉ định của bác sĩ có thể gây tăng nhãn áp, dẫn đến đục thủy tinh thể.
- Chấn thương: Va đập mạnh vào mắt có thể gây tổn thương thủy tinh thể và dẫn đến đục thủy tinh thể.
- Bệnh lý toàn thân: Một số bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, béo phì,… có thể làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.
2.3 Yếu tố nguy cơ khác
Ngoài các nguyên nhân kể trên, một số yếu tố sau đây cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc đục thủy tinh thể:
- Chế độ dinh dưỡng: chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất, vitamin có thể khiến cấu trúc protein trong thể thủy tinh suy yếu, lâu dần không thể đảm nhiệm được chức năng vốn có.
- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc đục thủy tinh thể cao hơn nam giới.
- Chủng tộc: Người da trắng có nguy cơ mắc đục thủy tinh thể cao hơn người da đen hoặc da nâu.
- Tiền sử gia đình: Nếu có người thân trong gia đình mắc đục thủy tinh thể bẩm sinh thì con sinh ra cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này.
3. Dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể
Ở những giai đoạn đầu, đục thủy tinh thể thường không có dấu hiệu. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người mắc có thể gặp phải một số dấu hiệu như:
- Nhìn mờ, đặc biệt là khi nhìn vào ban đêm hoặc trong điều kiện ánh sáng yếu.
- Nhìn thấy quầng sáng hoặc hào quang xung quanh ánh sáng.
- Mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng, thấy chói mắt khi ra ngoài trời hoặc khi tiếp xúc với nguồn ánh sáng mạnh.
- Khó khăn trong việc phân biệt màu sắc, đặc biệt là màu xanh lam và màu vàng.
- Nhìn đôi, hình ảnh nhìn thấy méo mó, cảm giác như có màng che trước mắt.
- Sự thay đổi số đo kính do đục thủy tinh thể tiến triển.
Ở trẻ em, nếu bị đục thủy tinh thể bẩm sinh hoàn toàn nếu không được phát hiện và điều trị sớm trước 6 tuần tuổi thì có thể dẫn đến rung giật nhãn cầu, nhược thị,…
4. Cách điều trị đục thủy tinh thể
Tại bệnh viện Mắt Thiên Thanh, việc điều trị đục thủy tinh thể được các bác sĩ dựa trên giai đoạn của bệnh. Ở giai đoạn sớm, thị lực chưa bị ảnh hưởng nhiều nếu có sự thay đổi khúc xạ, người bệnh thường được chỉ định sử dụng kính để hỗ trợ. Người bệnh cần duy trì khám mắt định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tình trạng bệnh.
Với trường hợp thủy tinh thể đã đục, người bệnh cần tiến hành phẫu thuật thay đục thủy tinh thể nhân tạo để điều trị bệnh một cách triệt để. Hiện nay, Phaco là phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể hiện đại nhất. Các bác sĩ sẽ sử dụng sóng siêu âm tần số cao để tán nhuyễn thủy tinh thể bị đục và hút ra ngoài. Thủy tinh thể nhân tạo sẽ được đặt vào, giúp bệnh nhân khôi phục thị lực. Phẫu thuật Phaco mang nhiều ưu điểm nổi bật như: Thời gian phẫu thuật ngắn, không đau, không chảy máu, độ an toàn cao,…
5. Phòng ngừa đục thủy tinh thể
Để phòng ngừa đục thủy tinh thể, bạn nên:
- Cần tiêm phòng virus Rubela trước khi mang thai.
- Khám mắt định kỳ, đặc biệt là từ sau 40 tuổi.
- Bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách sử dụng kính râm có khả năng chống tia UV.
- Không dùng rượu bia, thuốc lá.
- Tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc chứa corticoid.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giàu vitamin và khoáng chất.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý toàn thân như tiểu đường, cao huyết áp, béo phì,…
Đục thủy tinh thể là một bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Hiểu rõ nguyên nhân gây đục thủy tinh thể và thực hiện các biện pháp phòng ngừa là chìa khóa để bảo vệ đôi mắt của bạn. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ đục thủy tinh thể, hãy đến gặp các bác sĩ nhãn khoa để được kiểm tra và can thiệp kịp thời.