Mộng mắt: những thông tin cần biết và hướng điều trị

Mộng mắt thường khá lành tính và không gây nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng đến thị lực của người mắc.

Bệnh lý này thường khá phổ biến ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung Ương thì tỉ lệ người mắc bệnh mộng thịt chiếm khoảng 5.24% dân số điều tra ở Việt Nam. Tỉ lệ này thường có xu hướng cao hơn ở các vùng ven biển cũng như những nơi có khí hậu nóng. Vậy mộng mắt là gì, liệu có thể điều trị được không? Dưới đây là những thông tin mà bạn nên biết khi tìm hiểu về bệnh lý này.

1. Mộng mắt là gì?

Mộng mắt là một bệnh lý ở mắt, biểu hiện bởi sự phát triển của một lớp mô mỏng, màu hồng, có dạng tam giác hoặc hình dải trên kết mạc – lớp màng mỏng phủ bề mặt của mắt và phần trong của mí mắt. Bệnh thường bắt đầu từ phần góc trong của mắt (gần phía mũi) và có thể lan dần về phía trung tâm, che phủ một phần hoặc toàn bộ giác mạc (lớp màng trong suốt bảo vệ tròng đen của mắt).
Mộng thịt dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác ở mắt như: u mỡ kết mạc hay viêm kết mạc. Tuy nhiên, mộng thịt đặc trưng bởi sự phát triển của một lớp mô dày lên trên giác mạc, trong khi các bệnh lý khác thường không có biểu hiện này. Mộng thịt không phải là u ác tính, nhưng nếu không được điều trị, nó có thể ảnh hưởng đến thị lực.
mộng mắt

2. Nguyên nhân gây mộng thịt ở mắt

Các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh cho biết đến nay, nguyên nhân chính xác gây bệnh mộng thịt vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số yếu tố dưới đây được xem là góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
  • Tác động của ánh nắng mặt trời
Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra mộng mắt. Tia UV gây tổn thương cho các tế bào bề mặt của mắt, kích thích sự tăng sinh của các mạch máu và collagen, dẫn đến sự phát triển bất thường các mô ở mắt.
  • Yếu tố môi trường
Bụi bẩn, gió, hóa chất có thể làm mắt kích ứng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Di truyền
Một số nghiên cứu cho thấy, người có tiền sử gia đình mắc mộng thịt thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn những người còn lại.
  • Bệnh lý về mắt
Một số bệnh lý về mắt như: viêm kết mạc mãn tính, khô mắt,… cũng có nguy cơ bị mộng thịt cao hơn.
Bên cạnh đó, người sống ở khu vực nóng khô hay làm việc ngoài trời nhiều như: nông dân, ngư dân,… sẽ dễ mắc bệnh hơn.
ánh nắng mặt trời

3. Triệu chứng của mộng thịt

Tùy theo từng giai đoạn phát triển mà mộng thịt ở mắt có các triệu chứng khác nhau, khi bệnh càng tiến triển, các triệu chứng càng trở nên rõ ràng hơn. Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể bắt gặp những dấu hiệu phổ biến như:
  • Cảm giác cộm mắt: Mắt có cảm giác như có dị vật, gây khó chịu.
  • Mắt đỏ và kích ứng: Mắt trở nên đỏ và dễ bị kích ứng, đặc biệt là khi tiếp xúc với gió hoặc ánh nắng.
  • Khô mắt: Mộng thịt làm giảm khả năng sản xuất nước mắt, gây khô mắt, đặc biệt là khi ở trong môi trường khô hoặc điều hòa.
  • Khi tiến triển, mộng thịt sẽ gây ra một số triệu chứng như:
  • Khối màu hồng lan rộng dần: lớp mô này ban đầu chỉ xuất hiện ở rìa mắt nhưng theo thời gian, chúng sẽ lan rộng dần về phía giác mạc và có thể che phủ cả giác mạc.
  • Mờ mắt: Phần mô lan rộng vào giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực và gây cản trở tầm nhìn của người bệnh.
  • Biến dạng giác mạc: Một số trường hợp nặng, mộng thịt có thể gây biến dạng giác mạc, dẫn đến loạn thị, thậm chí là thay đổi cấu trúc giác mạc.
Tùy theo từng người mà tình trạng, mức độ tiến triển của bệnh sẽ khác nhau. Việc nhận biết sớm triệu chứng giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển, gây ảnh hưởng đến tầm nhìn.
mộng mắt tiến triển

4. Điều trị mộng mắt như thế nào?

Nhìn chung, mộng thịt là một khối u lành tính. Tuy nhiên, khi tiến triển mà không được điều trị kịp thời, mộng mắt có thể gây ra một số biến chứng như: loạn thị, sẹo giác mạc, dính mi cầu, loét giác mạc,…
Tùy vào mức độ tiến triển, vị trí cũng như kích thước của mộng mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp. Đối với các trường hợp nhẹ, mộng thịt ở mắt mới bắt đầu hình thành và chưa gây ra ảnh hưởng tới thị lực, bệnh nhân thường được chỉ định sử dụng thuốc nhỏ mắt, nước mắt nhân tạo để làm giảm sự khó chịu các triệu chứng của mắt. Ngoài ra, thì việc sử dụng kính râm cũng là điều mà bác sĩ khuyến cáo sử dụng để làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Với các trường hợp nặng hơn, khi mộng đã tiến triển, người bệnh thường được chỉ định thực hiện phẫu thuật để loại bỏ mộng, cải thiện tầm nhìn cũng như tính thẩm mỹ. Một số phương pháp phẫu thuật điều trị mộng đang được áp dụng phổ biến như: cắt mộng, cắt mộng và ghép kết mạc tự thân,… Phẫu thuật được xem là phương pháp hiệu quả giúp điều trị mộng, tuy nhiên, sau phẫu thuật người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo quá trình phục hồi và tránh tái phát.
thực hiện phẫu thuật mộng thịt

5. Mộng mắt có phòng ngừa được không?

Mặc dù mộng thịt không thể phòng ngừa một cách hoàn toàn nhưng những biện pháp sau sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh:
  • Bảo vệ đôi mắt khỏi ánh nắng mặt trời: Bằng cách sử dụng kính râm hay đội mũ rộng vành để tránh mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, ngay cả những ngày trời nhiều mây hay cường độ ánh nắng mạnh nhất.
  • Giữ gìn vệ sinh mắt: Rửa mắt thường xuyên giúp loại bỏ bụi bẩn, hóa chất hay các tác nhân gây dị ứng – một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc mộng mắt.
  • Sử dụng nước mắt nhân tạo thường xuyên để cải thiện tình trạng khô mắt, đặc biệt là ở trong các môi trường khô.
  • Duy trì một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh giúp tăng cường sức khỏe đôi mắt.
  • Khám mắt định kỳ giúp phát hiện sớm mộng mắt cũng như các bệnh lý về mắt khác để điều trị kịp thời.

khám mắt định kỳ cùng bác sĩ chuyên khoa

Mộng mắt là một bệnh lý phổ biến có thể ảnh hưởng đáng kể đến thị lực nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bằng cách hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa, bạn có thể bảo vệ đôi mắt của mình khỏi các tác động tiêu cực của bệnh này. Đừng quên thăm khám bác sĩ mắt định kỳ và thực hiện các biện pháp bảo vệ mắt khi tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt.
Đánh giá bài viết post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *