Lẹo mắt có tự khỏi không? Xử lý ra sao khi bị lẹo mắt?

Lẹo mắt có tự khỏi không? Thông thường lẹo mắt có thể tự khỏi sau 1- 2 tuần mà không cần điều trị.

Lẹo mắt là tình trạng thường gặp ở mọi lứa tuổi, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khó chịu cho bệnh nhân. Tình trạng lẹo mắt có tự khỏi không và hướng xử lý khi bị lẹo mắt như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp chi tiết thông qua bài viết dưới đây.

1. Thế nào là lẹo mắt?

Lẹo mắt là tình trạng viêm cấp tính của tuyến Meibomius, nằm ở bờ mi mắt. Tuyến Meibomius có nhiệm vụ sản xuất chất nhờn giúp bôi trơn mắt, ngăn ngừa khô mắt. Khi tuyến Meibomius bị tắc nghẽn, chất nhờn sẽ tích tụ và gây viêm nhiễm, dẫn đến hình thành lẹo mắt. Lẹo mắt gây hiện tượng sưng tấy, đau nhức trên vùng mí mắt.

Một số dạng lẹo mắt thường gặp:

  • Lẹo ngoài: Là dạng lẹo mắt phổ biến nhất, xuất hiện ở bờ mi, thường có kích thước và độ rắn như hạt đậu, thường do tắc nghẽn tuyến Zeis – tuyến lệ nhỏ nằm ở bờ mi.
  • Lẹo trong: Nằm bên trong mí mắt nên thường khó phát hiện, thường do nhiễm trùng từ tuyến Meibomius.
  • Đa lẹo: Xuất hiện nhiều lẹo trên một mí hoặc cả hai mi, thậm chí ở cả hai mắt.

lẹo mắt có tự khỏi không

2. Nguyên nhân gây lẹo mắt

Lẹo mắt thường xảy ra do 2 nguyên nhân chính sau:

  • Tắc nghẽn tuyến Meibomius: Do tiết bã nhờn đặc quánh, bụi bẩn, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.
  • Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng: Xâm nhập vào tuyến Meibomius và gây viêm nhiễm.

Bên cạnh đó, một số yếu tố cũng tác động tới sự hình thành lẹo mắt như:

  • Yếu tố môi trường: Bụi bẩn, ô nhiễm, dị ứng.
  • Chế độ dinh dưỡng không đủ chất, thiếu vitamin A, E, Omega-3.
  • Thói quen sinh hoạt không lành mạnh, thức khuya thường xuyên, hay ăn đồ cay nóng.
  • Có tiền sử từng bị viêm mí mắt hoặc viêm mí mắt mãn tính.
  • Không vệ sinh mắt đúng cách khi trang điểm.
  • Sử dụng kính áp tròng không được vệ sinh, bảo quản đúng cách.

3. Lẹo mắt có triệu chứng gì?

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh, lẹo mắt có thể dễ dàng nhận biết thông qua một số dấu hiệu sau:

  • Sưng tấy, đỏ rực một cục nhỏ trên mí mắt.
  • Đau nhức, nóng rát, khó chịu ở mí mắt.
  • Cộm mắt, chảy nước mắt.
  • Khó chớp mắt, cảm giác nặng mí mắt.

mắt bị lên lẹo

4. Lẹo mắt có tự khỏi không?

Lẹo mắt thường tự khỏi sau 1 – 2 tuần mà không cần điều trị. Kể từ khi khởi phát, lẹo mắt sẽ mất 3 – 4 để vỡ mủ, sau đó các triệu chứng sẽ dần thuyên giảm và khỏi hẳn. Dịch mủ khi vỡ cần phải xử lý thật sạch. Lẹo mắt có thể tái phát nhiều lần và lây từ mắt bị sang mắt còn lại.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp lẹo mắt sau, người bệnh cần tới gặp bác sĩ nhãn khoa để được chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời:

  • Lẹo mắt sưng to, đỏ rực, gây đau nhức dữ dội.
  • Lẹo mắt không cải thiện sau 1-2 tuần.
  • Xuất hiện nhiều mủ trắng hoặc vàng trên cục lẹo.
  • Sốt cao trên 37 độ, có cảm giác ớn lạnh hay sưng hạch bạch huyết.
  • Mờ mắt, giảm thị lực.
  • Xung quanh vùng lẹo mắt xuất hiện các nốt mụn nước nhỏ, phồng rộp.
  • Mủ lẹo khi vỡ có máu bất thường.

5. Xử lý ra sao khi bị lẹo mắt?

Có nhiều phương pháp điều trị lẹo mắt hiệu quả, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Trường hợp lẹo mắt nhẹ

  • Chườm ấm: Dùng khăn sạch ấm chườm lên mắt 5 – 10 phút, 2-3 lần/ngày. Việc này giúp giảm sưng tấy và làm sạch các dịch tiết ở mi mắt.
  • Vệ sinh mắt: Vệ sinh mắt sạch sẽ bằng nước muối sinh lý. Đối với bờ mi, có thể vệ sinh bằng miếng vệ sinh bờ mi hoặc dung dịch vệ sinh bờ mi.

Trường hợp lẹo mắt nặng

  • Thuốc: Sử dụng thuốc kháng viêm, kháng khuẩn theo chỉ định của bác sĩ.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh sau khi chườm ấm để giảm sưng đau.
  • Thực hiện thủ thuật chích, rạch lẹo để lấy mủ: Trường hợp lẹo mắt nặng, tái phát nhiều lần.

Trong quá trình điều trị, người bị lẹo mắt cũng cần chú ý một số điều sau:

  • Không chạm tay, dụi mắt để tránh cho vi khuẩn lây lan gây nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác.
  • Có thể sử dụng kính râm để giảm cảm giác khó chịu khi mắt nhạy cảm với ánh sáng.
  • Không tự ý nặn lẹo hay tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Hạn chế ăn đồ cay nóng, đồ tanh trong quá trình bị lẹo mắt.

chườm ấm mắt

6.Phòng ngừa lẹo mắt tái phát như thế nào?

Ngay cả khi khỏi thì lẹo mắt vẫn có khả năng tái phát, mỗi người có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng một số biện pháp sau:

  • Vệ sinh mắt sạch sẽ mỗi ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy.
  • Chườm ấm mắt thường xuyên để tuyến Meibomius luôn được thông thoáng.
  • Hạn chế thói quen dụi mắt, đưa tay lên mắt để tránh việc mang vi khuẩn xâm nhập vào mắt.
  • Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, bổ sung vitamin A, E, Omega-3, hạn chế ăn đồ cay nóng.
  • Vệ sinh cọ trang điểm thường xuyên, sử dụng và bảo quản kính áp tròng đúng cách.

Như vậy, để trả lời “lẹo mắt có tự khỏi không” thì câu trả lời là có. Lẹo mắt có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần theo dõi, nếu các triệu chứng bất thường thì cần tới gặp bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Đừng quên, để lại bình luận nếu có bất cứ thắc mắc, băn khoăn nào cần giải đáp nhé!

Đánh giá bài viết post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *