Glocom bẩm sinh là bệnh gì? Có thể điều trị được không?

Glocom bẩm sinh là bệnh lý về mắt cực kỳ hiếm gặp ở trẻ em nhưng lại có thể gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng cho thị lực.

Tỉ lệ trẻ mới sinh mắc bệnh là 1/25.000, trong số đó, số trẻ mắc Glocom bẩm sinh chiếm khoảng 1/10.000 trẻ và có tới khoảng 65% trẻ mắc là các bé trai. Cùng Bệnh viện Mắt Thiên Thanh tìm hiểu ngay về bệnh lý này qua bài viết dưới đây nhé!

1. Bệnh Glocom bẩm sinh là gì?

Bệnh Glocom bẩm sinh (hay còn gọi là tăng nhãn áp bẩm sinh) là một bệnh lý mắt nghiêm trọng xảy ra do sự phát triển bất thường trong cấu trúc mắt từ khi trẻ được sinh ra. Chất lỏng trong mắt bị tắc nghẽn, không được lưu thông đúng cách khiến cho áp lực chất lỏng trong mắt tăng lên, vượt quá mức cho phép. Từ đó, gây nên tổn thương thần kinh thị giác – phần chịu trách nhiệm dẫn truyền thông tin thị giác từ mắt đến não.
Bệnh có thể xuất hiện ở trẻ mới sinh hoặc trong những tháng đầu đời của trẻ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn hoặc gây ra những tổn thương không thể phục hồi cho mắt của trẻ.
Dựa theo nguyên nhân gây bệnh, Glocom bẩm sinh được chia thành hai dạng chính:
  • Glocom bẩm sinh nguyên phát: Đây là dạng bệnh thường gặp nhất. Bệnh thường xuất hiện ngay từ khi trẻ ra đời. Nguyên nhân chính là do quá trình phát triển bất thường của cấu trúc mắt ngay từ khi trẻ còn trong bào thai.
  • Glocom bẩm sinh thứ phát: Loại Glocom thường xuất hiện do các yếu tố hoặc bệnh lý khác liên quan đến sự phát triển của mắt. Một số bệnh lý bẩm sinh liên quan có thể kể đến như: hội chứng Axenfeld-Rieger, hội chứng Sturge-Weber, biến chứng đục thủy tinh thể bẩm sinh,…

Glocom bẩm sinh là gì

2. Nguyên nhân gây bệnh Glocom bẩm sinh

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được lý giải một cách rõ ràng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân gây bệnh Glocom có thể xuất phát từ một số yếu tố sau:
  • Di truyền
Di truyền được xem là một trong những yếu tố gây bệnh phổ biến. Bệnh có thể di truyền từ cha mẹ sang con hoặc do sự đột biến gen xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi. Các gen chịu trách nhiệm cho sự phát triển bình thường của hệ thống dẫn lưu thủy dịch trong mắt có thể bị lỗi, gây ra tắc nghẽn dẫn đến tăng nhãn áp. Bên cạnh đó, gia đình có tiền sử mắc Glocom bẩm sinh hoặc các bệnh về mắt liên quan đến tăng nhãn áp sẽ có nguy cơ sinh con mắc bệnh cao hơn.
  • Bệnh lý bẩm sinh 
Một số hội chứng bẩm sinh hoặc các bất thường về mắt khác có thể gây ra Glocom bẩm sinh. Các bệnh lý này làm cản trở sự phát triển của hệ thống dẫn lưu thủy dịch và gây tăng nhãn áp. Điển hình như:
  • Hội chứng Axenfeld-Rieger: Một bệnh lý di truyền gây ra các bất thường ở sự phát triển cấu trúc trước mắt và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.
  • Hội chứng Sturge-Weber: Là một rối loạn di truyền gây ra các mạch máu bất thường ở da, mắt và não. Trẻ mắc hội chứng này có nguy cơ mắc bệnh cao do các mạch máu phát triển bất thường gây tắc nghẽn dẫn lưu thủy dịch.
  • Hội chứng Peters: Đây là một bệnh lý mắt bẩm sinh đặc trưng bởi sự bất thường của giác mạc và góc tiền phòng, dẫn đến Glocom. 

glocom bẩm sinh

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh Glocom bẩm sinh

Glocom là bệnh lý cần được phát hiện và điều trị sớm ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Vậy nên, các bậc cha mẹ và phụ huynh cần chú ý đến những dấu hiệu nhận biết bệnh lý này. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến và thường gặp của bệnh Glocom bẩm sinh:
  • Giác mạc to hơn bình thường: Đường kính giác mạc ở trẻ mới sinh thường ở khoảng 9.5 – 10.5 mm. Tuy nhiên, ở trẻ mắc Glocom thì giác mạc sẽ có đường kính lớn hơn 12mm do áp lực nội nhãn tăng lên khiến mắt trông to bất thường.
  • Sợ ánh sáng: Trẻ mắc Glocom thường nhạy cảm hơn với ánh sáng. Ánh sáng khiến trẻ khó chịu, quấy khóc và thường nhắm mắt để tránh ánh sáng.
  • Giác mạc mờ đục: Giác mạc vốn trong suốt sẽ trở nên mờ đục do áp lực chất lỏng trong mắt tăng lên.
  • Chảy nước mắt nhiều: Áp lực trong mắt tăng cao khiến tuyến lệ bị kích thích. Điều này khiến trẻ chảy nước mắt quá mức ngay cả khi không khóc hay không có bất kỳ lý do cụ thể nào.
  • Do bệnh xuất hiện khi trẻ còn quá nhỏ cha mẹ cần chú ý các biểu hiện ở trẻ, nên nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để được các bác sĩ kiểm tra và có phương án điều trị kịp thời.

4. Có thể điều trị bệnh Glocom bẩm sinh được không?

Hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh lý này. Mọi phương pháp hiện tại đều nhằm mục đích giảm áp lực bên trong mắt, bảo vệ các dây thần kinh thị giác và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến mù lòa.
Tùy theo độ tuổi, mức độ nghiêm trọng của bệnh hay nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp: sử dụng thuốc giảm nhãn áp, phẫu thuật. Trong đó, phẫu thuật là phương pháp được đánh giá cao về mức độ hiệu quả. Khi trẻ thực hiện phẫu thuật càng sớm thì hiệu quả cũng càng tốt. Hiện nay, có nhiều kỹ thuật đang được áp dụng trong phẫu thuật điều trị Glocom cho trẻ như: phẫu thuật mở bè, phẫu thuật mở góc tiền phòng, phẫu thuật diệt thể mi,… Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của trẻ mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phẫu thuật phù hợp nhất.
phẫu thuật điều trị bệnh glocom

5. Bệnh Glocom bẩm sinh có thể phòng ngừa được không?

Glocom bẩm sinh là một bệnh lý có nguyên nhân chủ yếu do yếu tố di truyền và bất thường trong quá trình phát triển của mắt từ khi còn trong bào thai, vì vậy việc phòng tránh bệnh là rất khó.
Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn, nhưng việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như mù lòa. Vì vậy, cha mẹ nên:
  • Khám mắt định kỳ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Đây là cách tốt nhất để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của mắt, bao gồm cả Glocom bẩm sinh.
  • Theo dõi trẻ có yếu tố nguy cơ: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh Glocom, trẻ nên được theo dõi sát sao hơn.
  • Tìm hiểu về bệnh: Cha mẹ nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về Glocom bẩm sinh để nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh.
Với những thông tin trên, Bệnh viện Mắt Thiên Thanh hy vọng đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh lý Glocom bẩm sinh ở trẻ. Đây là bệnh lý tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Hãy đưa trẻ đi khám mắt định kỳ hoặc khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào để bảo vệ thị lực cho trẻ.
Đánh giá bài viết post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *