Đồng tử giãn là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Đồng tử giãn có thể là tình trạng sinh lý hoàn toàn bình thường nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu bất thường, cảnh báo sức khỏe của cơ thể.
Vậy tình trạng đồng tử giãn là gì? Nguyên nhân gây giãn đồng tử và phương pháp điều trị như thế nào? Hãy cùng bệnh viện Mắt Thiên Thanh tìm hiểu chi tiết về bệnh lý này trong bài viết ngày hôm nay.
Nội dung
1. Đồng tử giãn là gì?
Đồng tử hay còn được gọi là con ngươi của mắt. Bộ phận này là lỗ đen nằm ở phần trung tâm của mống mắt. Đồng tử có chức năng chính là tập trung các tia sáng đi vào mắt và đưa đến võng mạc để tạo hình ảnh. Hay nói cách khác,đồng tử giãn là tình trạng đồng tử có kích thước lớn hơn bình thường. Kích thước bình thường của đồng tử dao động từ 2.0 đến 4.0 mm trong điều kiện sáng chói. Khi ở trong điều kiện môi trường tối, kích thước đồng tử bình thường dao động từ 4.0 đến 8.0 mm.
Theo các bác sĩ nhãn khoa, tình trạng đồng tử giãn đôi khi chỉ là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể. Trong điều kiện thiếu sáng, việc giãn đồng tử sẽ giúp nhiều tia sáng đi vào mắt hơn. Điều này sẽ giúp chúng ta nhìn rõ các vật vào ban đêm. Hoặc khi có nhiều ánh sáng chói, đồng tử mắt cũng sẽ co lại, hạn chế các tia sáng đi vào mắt quá nhiều, ảnh hưởng xấu đến mắt.
2. Nguyên nhân dẫn tới đồng tử giãn
Tình trạng đồng tử giãn ở mắt có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân gây giãn đồng tử phổ biến:
2.1 Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc điều trị bệnh như: thuốc chống động kinh, thuốc trị parkinson hoặc thuốc trầm cảm ba vòng,… có thể giúp cải thiện sức khỏe cho người bệnh nhưng nó có thể gây ra một số tác dụng phụ. Một trong số các tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp là mắt sẽ nhạy cảm hơn với ánh sáng.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc chống say tàu xe, thuốc chống buồn nôn,… cũng có thể tiềm ẩn các tác dụng phụ tương tự. Vì thế, người bệnh nên cân nhắc trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Tốt nhất chỉ sử dụng khi có chỉ định, hướng dẫn cụ thể về liều lượng từ các bác sĩ chuyên khoa. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu gặp tác dụng phụ thì người bệnh cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
2.2 Chấn thương mắt
Chấn thương mắt là một trong những nguyên nhân tiếp theo gây ra tình trạng đồng tử giãn ở mắt. Các chấn thương nghiêm trọng ở mắt có thể khiến đồng tử bị giãn hoặc biến dạng và làm tổn thương đến mống mắt. Trong một số trường hợp, các chấn thương mắt có thể gặp trong quá trình phẫu thuật mổ ghép giác mạc, phẫu thuật đục thủy tinh thể,…
2.3 Bệnh lý hoặc các tổn thương về não
Các bệnh lý liên quan đến não, đặc biệt là tình trạng đột quỵ hay các chấn thương vùng đầu có thể khiến cho mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng. Từ đó dẫn đến nguy cơ giãn đồng tử mắt cũng cao hơn. Tình trạng đồng tử giãn có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mắt.
Đây cũng là lý do vì sao các bác sĩ dùng đèn dạng bút kiểm tra đồng tử mắt của các vận động viên sau chấn thương đầu do thi đấu thể thao gây ra. Hoặc khi người bệnh nhập viện cấp cứu với các triệu chứng đột quỵ.
2.4 Sử dụng thuốc giãn đồng tử trong khám và điều trị mắt
Thuốc giãn đồng tử được các bác sĩ sử dụng nhằm mục đích kiểm tra phần võng mạc và cấu trúc sâu bên trong mắt. Sau 15 – 30 phút nhỏ thuốc thì đồng tử mắt sẽ bắt đầu giãn ra và bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra. Từ đó, các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình trạng mắt cũng như phát hiện những bệnh lý về mắt. Ngoài ra, việc sử dụng một số thuốc giãn đồng tử còn để hạn chế sự co thắt gây đau ở cơ thể mi của mắt. Thuốc giãn đồng tử mắt thường có tác dụng trong vòng 4 – 6 giờ tùy loại thuốc. Một số thuốc giãn đồng tử có thể có tác dụng kéo dài lên đến 2 tuần. Sau khoảng thời gian này, đồng tử mắt sẽ dần khôi phục về trạng thái bình thường.
2.5 Dị tật bẩm sinh ở mống mắt
Dị tật bẩm sinh ở mống mắt là tình trạng hiếm gặp. Khi đó, ngay từ khi sinh ra, người bệnh đã bị khiếm khuyết một phần hoặc toàn bộ mống mắt, khiến đồng tử giãn nở đáng kể.
Dị tật này thường ảnh hưởng đến cả hai bên mắt và đi kèm nhiều vấn đề nghiêm trọng về mắt như: bệnh tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể bẩm sinh, chứng giật cầu mắt, giảm thị lực, các dây thần kinh thị giác và võng mạc phát triển không hoàn chỉnh,…
Khi mắc phải dị tật mống mắt, mắt người bệnh thường nhạy cảm hơn với ánh sáng. Nguyên nhân là do mắt có rất ít hoặc không có mống mắt để có thể điều chỉnh lượng tia sáng đi vào mắt.
2.6 Sử dụng thuốc gây nghiện
Trong thuốc gây nghiện có chứa các thành phần có thể ảnh hưởng đến mắt, khiến phản ứng của mắt với ánh sáng không còn nhanh nhạy. Điều này dẫn tới tình trạng giãn đồng tử ở mắt. Bên cạnh đó, các trường hợp sử dụng thuốc cai nghiện cũng có thể gặp phải tình trạng giãn đồng tử tương tự.
3. Dấu hiệu nhận biết đồng tử giãn
Đồng tử giãn có thể nhận biết thông qua việc thấy kích thước đồng tử ở mắt lớn hơn so với bình thường. Bên cạnh đó, người bị giãn đồng tử mắt có thể xuất hiện một số dấu hiệu như sau:
- Mắt nhìn mờ và khó nhìn gần.
- Cảm thấy đau đầu, chóng mặt.
- Khó ngủ và xuất hiện các kích ứng mắt.
Khi cảm thấy mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng hoặc mắt nhìn mờ mà không rõ lý do, người bệnh cần đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, nếu các dấu hiệu kể trên xuất hiện sau khi người bệnh bị chấn thương vùng mắt hoặc vùng đầu thì cần nhanh chóng tới bệnh viện.
4. Chẩn đoán và điều trị đồng tử giãn như thế nào?
4.1 Chẩn đoán giãn đồng tử mắt
Để chẩn đoán tình trạng giãn đồng tử ở mắt, bác sĩ sẽ dựa trên rất nhiều yếu tố. Trước hết bác sĩ tiến hành kiểm tra triệu chứng và tiền sử bệnh lý của người bệnh. Đồng thời, bác sĩ cũng xem xét các loại thuốc điều trị mà người bệnh đang sử dụng hoặc các chấn thương trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện một số bài kiểm tra thị lực, chuyển động mắt, đo nhãn áp và các xét nghiệm khác nếu cần. Thông qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng, bác sĩ sẽ chẩn đoán được chính xác tình trạng mắt cũng như nguyên nhân gây bệnh.
4.2 Điều trị đồng tử giãn như thế nào?
Theo các bác sĩ tại bệnh viện Mắt Thiên Thanh, việc điều trị tình trạng đồng tử giãn thường phụ thuộc theo nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể:
Nếu nguyên nhân gây giãn đồng tử là do sử dụng thuốc thì khi ngưng thuốc, đồng tử sẽ trở lại bình thường. Các bác sĩ sẽ chỉ định dừng loại thuốc cũ và đổi sang một loại thuốc khác cho người bệnh.
Nếu nguyên nhân đến từ chấn thương mắt hoặc bệnh lý liên quan đến não, người bệnh có thể cần thực hiện phục hồi chức năng dây thần kinh thị giác như: vật lý trị liệu,…
Đồng tử giãn khiến mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng nên người bệnh nên sử dụng kính râm khi ra ngoài trời, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào mắt. Bên cạnh đó, người bệnh cũng không nên tự điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn do giãn đồng tử sẽ khiến mắt nhìn mờ.
Như vậy, đồng tử giãn do nhiều nguyên nhân gây ra. Việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh là điều quan trọng để quá trình điều trị đạt kết quả tốt. Người bệnh cần thăm khám càng sớm càng tốt để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng về mắt trong tương lai.