Nguyên nhân gây chảy nước mắt sống? Khắc phục như thế nào?
Chảy nước mắt sống do nhiều nguyên nhân gây ra, mỗi nguyên nhân sẽ có cách khắc phục phù hợp.
Chảy nước mắt sống không phải tình trạng hiếm gặp. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn khiến người bệnh lo lắng. Vậy tình trạng trên do nguyên nhân nào gây ra? Cách khắc phục bệnh như thế nào? Cùng bệnh viện Mắt Thiên Thanh tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây!
Nội dung
1. Chảy nước mắt sống là gì?
Nước mắt có vai trò trong việc giữ ẩm và giữ bề mặt nhãn cầu luôn được sạch sẽ. Bình thường, nước mắt sau khi được tiết ra sẽ chảy dồn về phía góc mắt. Sau đó, nước mắt sẽ theo lệ đạo chảy xuống mũi, miệng ra ngoài. Tình trạng nước mắt được tiết ra liên tục, không thể kiểm soát được gọi là chảy nước mắt sống.
Tình trạng chảy nước mắt sống có thể bắt gặp ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên, người trên 60 tuổi và trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi là đối tượng phổ biến nhất. Tình trạng này có thể xảy ra ở một mắt hoặc cả hai bên mắt.
2. Nguyên nhân nào gây chảy nước mắt sống?
Tùy theo từng độ tuổi mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy nước mắt sống có thể do các nguyên nhân khác nhau gây ra. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây tình trạng chảy nước mắt sống:
2.1 Do tình trạng nhiễm trùng mắt
Chảy nước mắt sống là một trong những phản ứng của cơ thể khi mắt bị viêm nhiễm. Điều này nhằm mục đích giữ ẩm cho mắt cũng như rửa trôi các vi khuẩn, bụi bẩn và dịch nhầy bên trong mắt. Hai loại nhiễm trùng gây tình trạng chảy nước mắt thường gặp là viêm bờ mi và viêm kết mạc. Tình trạng viêm nhiễm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra: vi khuẩn, nấm, virus,..
2.2 Khô mắt
Khô mắt là một trong những nguyên nhân tiếp theo gây chảy nước mắt sống. Khi mắt quá khô sẽ kích thích cho tuyến lệ tiết nước mắt. Điều này khiến ống dẫn nước mắt tự nhiên bị quá tải gây tình trạng nước mắt chảy tràn ra ngoài.
2.3 Dị ứng
Dị ứng: Khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như: lông động vật, phấn hoa, bụi bẩn trong không khí,… cơ thể có thể xảy ra phản ứng chảy nước mắt sống. Bên cạnh đó, mắt sẽ có thêm một số triệu chứng khó chịu khác như: đau mắt, đỏ mắt, ngứa rát mắt,…
2.4 Các nguyên nhân khác
- Do dây thần kinh số VII: Dây thần kinh này điều khiển bộ phận lệ đạo. Nếu dây thần kinh này bị liệt sẽ gây ra tình hở mi mắt, chảy nước mắt. Ở trường hợp này, cần ưu tiên điều trị hở mi mắt trước để tránh nguy cơ loét giác mạc.
- Mí mắt: Người có sẹo mí mắt, thừa da mí mắt hay mỡ quang hốc mắt nhiều có thể khiến hồ lệ không lấy được nước mắt, gây tình trạng chảy nước mắt sống.
- Do sử dụng kính áp tròng bẩn, cũ: Các kính áp tròng lâu ngày, không được vệ sinh đúng cách sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng Acanthamoeba. Loại ký sinh trùng này có thể tấn công nhãn cầu, ăn mòn giác mạc gây ra các triệu chứng như: nhìn mờ, ngứa rát mắt, đau mắt, chảy nước mắt,…
3. Cách khắc phục
Các bác sĩ tại bệnh viện Mắt Thiên Thanh cho biết, việc khắc phục tình trạng chảy nước mắt sống sẽ tùy thuộc theo nguyên nhân. Mỗi nguyên nhân sẽ có phương pháp điều trị phù hợp:
- Khô mắt, nhiễm trùng mắt: Bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp sử dụng linh hoạt giữa thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm. Bên cạnh đó, việc dùng thêm nước mắt nhân tạo sẽ giảm bớt cảm giác khó chịu do khô mắt gây ra. Người bệnh nên sử dụng nước mắt nhân tạo dạng tép, không chứa chất bảo quản.
- Hở mi mắt: Tùy vào tình trạng hở mi, bác sĩ sẽ tư vấn sẽ phương pháp điều trị phù hợp. Các trường hợp hở mi nhẹ, bệnh nhân có thể chỉ cần sử dụng thuốc tra mắt. Nếu hở mi mắt nặng và có nguy cơ loét giác mạc cao, bệnh nhân có thể cần tiến hành phẫu thuật.
4. Một số biện pháp giúp phòng tránh tình trạng chảy nước mắt sống
Để ngăn ngừa tình trạng này, mọi người có thể xây dựng một số thói quen tốt như:
- Sử dụng kính và mũ bảo hộ để tránh các dị vật rơi, bắn vào mắt trong quá trình làm việc tại các môi trường nguy hiểm.
- Áp dụng quy tắc 20-20-20 để mắt có thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
- Thăm khám mắt định kỳ để phát hiện và điều trị tích cực bệnh về mắt (nếu có).
Tóm lại, chảy nước mắt sống là tình trạng khá phổ biến, gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày. Bên cạnh nguyên nhân chính là tắc lệ đạo thì còn nhiều nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng này. Khi có dấu hiệu, người bệnh cần nhanh chóng thăm khám để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.