Cùng chuyên gia tìm hiểu về bệnh võng mạc tiểu đường
Bệnh võng mạc tiểu đường là tình trạng biến chứng thường gặp do bệnh tiểu đường (hay còn được gọi là đái tháo đường) gây ra.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh võng mạc tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như: xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính,… thậm chí là mù lòa. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra mù hàng đầu trên thế giới.
Nội dung
1. Bệnh võng mạc tiểu đường là gì?
Bệnh võng mạc tiểu đường là một biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ ở võng mạc của lớp mô nhạy cảm với ánh sáng nằm ở phía sau của mắt. Bệnh lý này là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới, đặc biệt ở người trưởng thành. Vì bệnh tiến triển chậm và không có các triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu nên bệnh thường khó phát hiện cho đến khi thị lực bị tổn hại nghiêm trọng. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng khác cũng như gây khó khăn khi điều trị. Bởi vậy, khi phát hiện mắc đái tháo đường, người bệnh cần phải đi kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm (nếu có).
2. Nguyên nhân gây bệnh võng mạc tiểu đường
Nguyên nhân chính gây bệnh là do lượng đường trong máu cao kéo dài, gây ra tổn thương cho các mạch máu trong cơ thể (não, tim, gan, thận,.., bao gồm các mạch máu nhỏ trong võng mạc mắt). Trong đó, mắt là bộ phận mà các bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện bệnh thông qua việc kiểm tra đáy mắt. Khi các mạch máu này bị tổn thương, chúng có thể bị rò rỉ hoặc tắc nghẽn, làm giảm lượng máu và oxy cung cấp cho võng mạc. Điều này dẫn đến tình trạng phù nề, xuất huyết và sự hình thành các mạch máu bất thường trong võng mạc.
Các yếu tố nguy cơ khác:
- Ngoài việc lượng đường huyết không được kiểm soát tốt, các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh võng mạc tiểu đường bao gồm:
- Huyết áp cao: Huyết áp cao làm tăng áp lực lên các mạch máu trong võng mạc.
- Cholesterol cao: Mức cholesterol cao có thể dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong mạch máu, làm giảm quá trình lưu thông máu đến võng mạc.
- Thời gian mắc bệnh tiểu đường: Bệnh nhân mắc tiểu đường lâu, nguy cơ bị bệnh võng mạc tiểu đường sẽ càng cao.
3. Triệu chứng phổ biến của bệnh
Ở giai đoạn nhẹ, bệnh thường không có các dấu hiệu rõ ràng nhưng khi tiến triển, người bệnh có thể thấy gặp phải các triệu chứng rõ ràng hơn như:
- Nhìn mờ: Đây là triệu chứng thường gặp và sớm nhất. Người bệnh thấy tầm nhìn thiếu sự sắc nét, hình ảnh các vật thể nhìn thấy trở nên mờ nhạt, khó tập trung. Đặc biệt là trong khi nhìn các vật có kích thước nhỏ hay đọc sách báo.
- Xuất hiện chấm đen: Nhìn thấy các đốm đen hoặc vệt sáng di động trước mắt, giống như có ruồi bay.
- Khó nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu/ban đêm: Phần võng mạc bị tổn thương, làm giảm khả năng hấp thụ ánh sáng khiến thị lực suy giảm trong môi trường ánh sáng yếu.
- Thị lực dao động: Thị lực của người bệnh lúc rõ lúc mờ. Tình trạng này có thể thay đổi từ ngày này qua ngày khác hoặc thậm chí là trong cùng một ngày.
- Thấy nguồn ánh sáng lóe lên: Một số trường hợp có thể bắt gặp các tia sáng lóe lên trong tầm nhìn. Điều này có thể là dấu hiệu sự phát triển bất thường của các mạch máu khiến võng mạc bị kích thích.
- Mất thị lực từng phần hoặc toàn phần: Thị lực có thể mất từ từ hoặc một cách đột ngột. Mất thị lực có thể là dấu hiệu của xuất huyết nghiêm trọng trong võng mạc hoặc dịch kính, hoặc do bong võng mạc. Đây là một tình trạng khẩn cấp cần được điều trị ngay lập tức để ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn.
4. Võng mạc tiểu đường có thể điều trị được không?
Trả lời câu hỏi này, các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh cho biết, bệnh võng mạc tiểu đường có thể điều trị được. Tuy nhiên việc điều trị có hiệu quả hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: giai đoạn bệnh, mức độ tổn thương của võng mạc,…
Việc điều trị bệnh lý này chủ yếu tập trung vào các mục đích chính như:
- Kiểm soát lượng đường huyết: Đây là yếu tố quan trọng nhất để ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn.
- Ngăn chặn các biến chứng: Giảm thiểu nguy cơ xuất huyết, phù nề và tổn thương võng mạc.
- Bảo vệ thị lực còn lại: Giúp người bệnh giữ lại tối đa thị lực.
Hiện nay, có 3 phương pháp phổ biến để điều trị bệnh lý võng mạc đái tháo đường như:
- Điều trị laser: Laser quang đông và laser nội soi là hai phương pháp được sử dụng nhiều. Trong khi laser quang đông giúp đóng kín các mạch máu bị rò rỉ, ngăn chặn tình trạng xuất huyết thì laser nội soi giúp loại bỏ các mô tăng sinh bất thường.
- Tiêm thuốc nội nhãn: Một số loại thuốc được tiêm vào trong nhãn cầu để cải thiện một phần thị lực, giảm phù nề cũng như ức chế sự phát triển của bệnh. Việc tiêm cần diễn ra định kỳ theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.
- Phẫu thuật: Thường được áp dụng trong các trường hợp nặng như: bong võng mạc, xuất huyết dịch kính.
5. Cách phòng ngừa bệnh võng mạc tiểu đường
Bệnh võng mạc đái tháo đường có thể phòng tránh cũng như làm chậm quá trình tiến triển của bệnh bằng một số cách sau:
- Kiểm soát tốt lượng đường huyết: Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, kiểm tra đường huyết thường xuyên và điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp.
- Kiểm soát lượng huyết áp và cholesterol: Theo dõi các chỉ số này và điều chỉnh lối sống phù hợp để duy trì các chỉ số đường huyết áp và cholesterol ở mức ổn định.
- Xây dựng và duy trì thói quen khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở võng mạc và kịp thời điều trị.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao đều đặn.
Như vậy, bệnh võng mạc tiểu đường là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây mù lòa nếu không được điều trị kịp thời. Để có thể phòng ngừa bệnh lý này, người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, và cholesterol, cùng với các thói quen sống lành mạnh. Bên cạnh đó, khám mắt định kỳ là điều cần thiết để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giúp bảo vệ thị lực và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Việc duy trì một lối sống lành mạnh không chỉ giúp phòng ngừa bệnh lý này mà còn bảo vệ sức khỏe tổng thể của bạn.
×