Thoái hóa võng mạc chu biên là gì? Điều trị như thế nào?

Thoái hóa võng mạc chu biên là một trong những biến chứng nguy hiểm và thường gặp ở những người mắc cận thị nặng.

Hầu hết người bệnh khi được chẩn đoán mắc thoái hóa võng mạc chu biên thường cảm thấy rất lo lắng vì không phải ai cũng biết và có kiến thức về bệnh lý này. Bài viết ngày hôm nay, hãy cùng Bệnh viện Mắt Thiên Thanh tìm hiểu chi tiết về bệnh lý liên quan đến võng mạc này nhé!

1. Thoái hóa võng mạc chu biên là gì?

Võng mạc là lớp mô mỏng nằm phía bên trong mắt, có vai trò quan trọng trong việc thu nhận hình ảnh và truyền tín hiệu về não, tạo nên hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy. Võng mạc chu biên là phần võng mạc nằm ở vùng rìa (ngoại vi) của võng mạc, không phải là trung tâm của mắt. Vùng chu biên của võng mạc chịu trách nhiệm cho thị lực ngoại vi – khả năng nhìn thấy các vật ở xung quanh mà không cần quay đầu trực tiếp nhìn vào. Điều này giúp chúng ta cảm nhận được không gian rộng hơn và nhận diện các chuyển động ở bên ngoài tầm nhìn trung tâm.
Thoái hóa võng mạc chu biên là tình trạng phần võng mạc ở vùng rìa (chu biên) của mắt bị suy thoái hoặc tổn thương. Khi võng mạc chu biên bị thoái hóa, tầm nhìn ngoại vi bị suy giảm, dẫn đến việc khó nhìn rõ các vật ở rìa mắt. Bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi hoặc những người mắc các bệnh lý mắt như cận thị nặng. Tuy không gây mù lòa trực tiếp như thoái hóa hoàng điểm (phần trung tâm của võng mạc), nhưng nếu không được điều trị kịp thời, thoái hóa võng mạc chu biên có thể dẫn đến bong võng mạc, gây ra mất thị lực nghiêm trọng.
thoái hóa võng mạc chu biên

2. Nguyên nhân gây thoái hóa vùng võng mạc chu biên

Nguyên nhân gây bệnh thường liên quan đến yếu tố di truyền hoặc yếu tố lão hóa tự nhiên. Dưới đây là một số nguyên chính gây bệnh:
Tuổi tác
 Sự lão hóa tự nhiên của cơ thể là một trong những nguyên nhân gây thoái hóa vùng võng mạc chu biên. Từ 40 tuổi trở đi, các tế bào trong cơ thể dần lão hóa, bao gồm cả các tế bào trong võng mạc.
Cận thị nặng
Tình trạng cận thị nặng (trên 6 đi-ốp) là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh. Cận thị làm trục nhãn cầu giãn dài, gây áp lực lên võng mạc, đặc biệt là vùng chu biên. Điều này làm cho võng mạc mỏng đi và dễ bị tổn thương.
Di truyền
Một số trường hợp cho thấy, tình trạng thoái hóa võng mạc có liên quan đến yếu tố di truyền trong gia đình.
Chấn thương hoặc viêm nhiễm mắt
Những chấn thương, viêm nhiễm vùng mắt có thể gây tổn thương trực tiếp đến vùng võng mạc.
Bệnh lý toàn thân
Một số bệnh lý như: tiểu đường, huyết áp, viêm màng bồ đào,… cũng có thể làm tổn thương các mạch máu nuôi dưỡng võng mạc, dẫn đến vùng chu biên của võng mạc suy yếu.
cận thị nặng là nguyên nhân chính gây thoái hóa võng mạc chu biên

3. Dấu hiệu nhận biết thoái hóa võng mạc chu biên

Ở giai đoạn đầu, bệnh thường tiến triển trong âm thầm và không có biểu hiện rõ ràng. Khi đã tiến triển, người bệnh có thể nhận biết thông qua một số triệu chứng sau:
  • Ruồi bay: Xuất hiện những chấm đen nhỏ di chuyển trước mắt, giống như ruồi bay. Đây là một trong những dấu hiệu sớm và phổ biến nhất của thoái hóa võng mạc chu biên.
  • Chớp sáng: Nhìn thấy những tia sáng chớp nhoáng, đặc biệt khi di chuyển mắt hoặc trong bóng tối.Hiện tượng này là do sự kéo căng hoặc kích thích võng mạc.
  • Mất thị lực ngoại biên: Khó khăn khi nhìn các vật ở góc cạnh khi mắt đang nhìn thẳng, hình ảnh mắt thấy giống như nhìn qua một chiếc ống nhòm.
Tuy nhiên, các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh cho biết, đôi khi những triệu chứng này cũng là dấu hiệu của các bệnh lý khác về mắt. Người bệnh nên tới các cơ sở chuyên khoa để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác.
hiện tương ruồi bay ở mắt

4. Thoái hóa võng mạc chu biên có nguy hiểm không?

Tình trạng thoái hóa võng mạc vùng chu biên có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời:
  • Mất thị lực ngoại vi: Gây khó khăn trong việc quan sát các vật ở góc cạnh, ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và cảm nhận không gian xung quanh, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt khi lái xe hoặc đi bộ ở những nơi đông đúc.
  • Rách võng mạc: Đây là giai đoạn tiền thân của bong võng mạc. Võng mạc bị rách khiến dịch lỏng có thể thấm vào bên dưới võng mạc và làm cho nó tách khỏi lớp đáy của mắt, dẫn tới bong võng mạc. Bong võng mạc là tình trạng cấp cứu về mắt, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.

biến chứng bong rách võng mạc ở mắt

5. Phương pháp điều trị

Các phương pháp điều trị hiện nay không thể giúp phục hồi hoàn toàn các tổn thương ở võng mạc. Mục đích chính của việc điều trị là làm chậm sự tiến triển của bệnh, ngăn ngừa nguy cơ bong rách võng mạc và bảo tồn thị lực tối đa cho người bệnh. Hai phương pháp đang được áp dụng chủ yếu hiện nay để điều trị tình trạng này bao gồm:
  • Laser quang đông: Thường được chỉ định để hàn gắn các vết rách võng mạc nhỏ, tránh cho sự thoái hóa võng mạc lan rộng, làm tăng nguy cơ bong võng mạc.
  • Phẫu thuật: Khi tình trạng thoái hóa võng mạc trở nên nghiêm trọng, vết rách võng mạc lớn, thậm chí là bong võng mạc thì người bệnh thường được chỉ định phẫu thuật để sửa chữa các tổn thương. Tùy theo từng tình trạng mà bác sĩ sẽ lựa chọn kỹ thuật phù hợp.

6. Phòng ngừa thoái hóa võng mạc chu biên

Mặc dù không thể hoàn toàn ngăn ngừa tình trạng này, nhất là khi nguyên nhân xuất phát vấn đề di truyền. Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp sau:
  • Kiểm soát tình trạng cận thị: Người bệnh cần sử dụng kính đúng độ và tuân theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, với trẻ cận thị thì cần có những biện pháp giúp kiểm soát tiến triển cận thị, tránh cho mắt tăng độ quá nhanh.
  • Kiểm soát các bệnh lý nền ở mức ổn định để tránh gây các biến chứng tổn thương mạch máu võng mạc.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều thực phẩm chưa các loại vitamin, khoáng chất tốt cho mắt.
  • Hạn chế các thói quen xấu ảnh hưởng đến mắt cũng như bảo vệ mắt khỏi các nguồn ánh sáng có hại, nguy cơ chấn thương bằng việc sử dụng kính bảo hộ hay kính chống ánh sáng xanh.
  • Khám mắt thường xuyên để theo dõi, đồng thời phát hiện các bệnh lý về mắt kịp thời.

thường xuyên khám mắt để phát hiện bệnh kịp thời

Thoái hóa võng mạc chu biên là một bệnh lý về mắt nguy hiểm, có thể gây mù lòa nếu không được điều trị kịp thời. Bằng cách kiểm tra mắt định kỳ, duy trì chế độ dinh dưỡng tốt và bảo vệ mắt khỏi các yếu tố gây hại, bạn có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình thoái hóa võng mạc, bảo vệ thị lực lâu dài.
Đánh giá bài viết post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *