Chắp mắt là gì? Điều trị chắp mắt như thế nào?
Chắp mắt là tình trạng viêm mi mắt khá phổ biến khiến người bệnh khó chịu và ảnh hưởng đến tầm nhìn.
Vậy bệnh chắp mắt là gì? Điều trị chắp mắt như thế nào? Cùng bệnh viện Mắt Thiên Thanh tìm hiểu về bệnh chắp mắt trong bài viết dưới đây.
Nội dung
1. Chắp mắt là gì?
Chắp mắt là tình trạng trên mí mắt xuất hiện nốt sưng đỏ. Các nốt sưng đỏ có thể xuất hiện ở mí mắt trên hoặc mí mắt dưới. Đôi khi chúng xuất hiện ở một bên mắt nhưng cũng có thể xuất hiện ở cả hai bên mắt. Chắp mắt thường không gây đau đớn nhưng khiến mắt người bệnh có cảm giác cộm mắt và có thể sụp mí trong khi viêm nhiễm.
Cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ bị chắp mắt. Tuy nhiên, đối tượng mắc bệnh phổ biến nằm trong độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi. Bệnh thường không quá nguy hiểm. Các nốt sưng đỏ sẽ tự tiêu dần sau từ 5 đến 7 ngày mà không cần điều trị. Trong trường hợp chắp mắt gây ra cảm giác đau nhức, ảnh hưởng đến tầm nhìn và tái lại từ 2 lần trở lên thì người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để thăm khám kỹ lưỡng.
2. Các nguyên nhân gây chắp mắt
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng chắp mắt là do tuyến meibomian ở mắt bị tắc nghẽn. Tuyến meibomian này có tác dụng bôi trơn bề mặt mắt. Vậy nên khi bị tắc nghẽn sẽ hình thành nên các nốt sưng vùng mí mắt.
Viêm bờ mi lâu ngày cũng là một nguyên nhân tiếp theo gây chắp mắt và khiến bệnh dễ tái phát nhiều lần. Khi người bệnh không vệ sinh mắt đúng cách hoặc không bảo vệ mắt khi tiếp xúc với các tác nhân có hại,… thì tình trạng chắp mắt có thể nghiêm trọng hơn.
Một vài trường hợp gặp các vấn đề về nội tiết tố cũng có thể làm tăng tiết nhờn vùng mí mắt. Điều này cũng sẽ dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và gây ra chắp mắt. Ngoài ra, có một số ít bệnh nhân bị chắp mắt là do gặp các vấn đề về hệ thống miễn dịch.
Bên cạnh đó, một số đối tượng sau cũng có nguy cơ cao bị chắp mắt như:
- Người có nhiều mụn trứng cá đỏ.
- Người bị bệnh viêm bờ mi mạn tính.
- Tăng tiết bã nhờn vùng mí mắt.
- Người nhiễm virus, người bị bệnh lao phổi.
3. Dấu hiệu nhận biết chắp mắt
Bệnh chắp mắt thường xuất hiện dưới dạng là nốt sưng đỏ hơi cứng ở vùng mí mắt. Chắp mắt khiến người mắt có cảm giác khó chịu vì cộm mắt, chảy nhiều nước mắt.
4. Điều trị chắp mắt như thế nào?
Bệnh chắp mắt có thể dễ dàng xác định qua việc quan sát vùng mí mắt của người bệnh. Bên cạnh đó, để phân biệt với một số bệnh lý khác, bác sĩ sẽ dựa theo các thông tin về triệu chứng, cảm giác mà người bệnh cung cấp để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Các bác sĩ tại bệnh viện Mắt Thiên Thanh cho biết, hầu hết các chắp nhỏ thường sẽ tự hết mà không cần điều trị sau khoảng 1 tuần. Người bệnh có thể chú ý một số điều sau khi chăm sóc mắt tại nhà sau đây:
- Sử dụng khăn ấm chườm lên vùng mí mắt. Nhiệt độ ấm từ khăn sẽ giúp tuyến dầu nở ra và bớt tắc nghẽn hơn. Người bệnh nên chườm từ 10-15 phút/lần và từ 3-5 lần/ngày. Ngoài ra, người bệnh cũng đừng quên thường xuyên vệ sinh vùng mí mắt và sử dụng khăn sạch lau mi mắt một cách nhẹ nhàng.
- Tuyệt đối không thực hiện các hành động như: gãi, dụi hay ấn vào mắt.
- Không sử dụng kính áp tròng hay trang điểm mắt cho đến khi mắt khỏi hẳn.
Trong trường hợp chắp quá lớn hoặc gây khó chịu nhiều thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Tại bệnh viện, các bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp như: sử dụng thuốc chống viêm, sử dụng kháng sinh đường uống hoặc phẫu thuật điều trị bệnh lý mí mắt,… tùy theo tình trạng của mỗi người bệnh.
5. Cách phòng ngừa chắp mắt
Để phòng tránh chắp mắt, mỗi người cần lưu ý một vài điều sau:
- Duy trì thói quen chườm ấm mắt 3 lần/tuần để tuyến dầu trên mi mắt được thông thoáng và không bị viêm.
- Hạn chế thói quen chạm tay vào mắt, dụi mắt.
- Nên sử dụng kính mát khi ra đường hoặc đến các nơi ô nhiễm để bảo vệ mắt.
- Không sử dụng các sản phẩm trang điểm vùng mắt như: mascara, phấn mắt, kẻ mắt khi đã hết hạn sử dụng.
- Vệ sinh da mặt và mắt sạch sẽ bằng nước hoặc tẩy trang chuyên dụng.
- Không dùng chung đồ cá nhân hay đồ trang điểm chuyên dụng.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, hạn chế đồ cay nóng, đồ ngọt. tăng cường bổ sung hoa qua, thực phẩm giàu vitamin.
Tóm lại, chắp mắt có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần chú ý chăm sóc mắt cẩn thận. Nếu bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần tới gặp các bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời.